Truy cập nội dung luôn

Triển khai các biện pháp chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

30/01/2024 14:58    156

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền vừa ký Công văn số 474/UBND-KTN yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Trong thời gian trước và trong Tết Nguyên đán, yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, tập trung chăm sóc, làm cỏ, tỉa dặm, bón phân cho cây lúa; sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ; bổ sung phân bón lá trung, vi lượng và phân bón có chứa các nguyên tố Ma giê, Silic cao giúp cho lúa cứng cây, chống đỗ ngã.

Chỉ đạo điều tiết nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm ngay từ đầu vụ, đảm bảo đủ nước theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây lúa, nhất là giai đoạn làm đòng và trổ bông; đồng thời, tận dụng tối đa nguồn nước hiện còn trên các sông, rạch để cung cấp cho cây trồng, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong hồ chứa phục vụ cho sản xuất; bên cạnh đó, cần tăng cường áp dụng các kỹ thuật tưới như: Tưới ướt khô xen kẻ, tưới nước theo Sổ tay hướng dẫn quy trình tưới nước tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính.

Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng và tăng cường công tác dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật gây hại cho cây trồng, hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ kịp thời, có hiệu quả một số đối tượng sinh vật gây hại chính trước, trong và sau Tết Nguyên đán như: Bệnh đạo ôn lá, sâu năn, chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, ... phát sinh gây hại lúa Đông Xuân.

Hướng dẫn áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất như: Quản lý dịch hại tổng hợp IPM, Chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), “03 giảm, 03 tăng” “01 phải, 05 giảm” trong sản xuất lúa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.

Khi có mưa trái mùa gây ngập úng cục bộ cần chú ý khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa, hạn chế để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển lúa, cũng như tạo điều kiện cho các đối tượng sinh vật gây hại phát sinh gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất.

Đối với cây rau màu, diện tích cây rau màu đã xuống giống cần tranh thủ xới xáo, phá váng, làm cỏ; chăm sóc, tỉa, dặm, và bón phân theo quy trình kỹ thuật để giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; đồng thời theo dõi, kiểm soát các loại sinh vật gây hại khác trên cây rau màu và tổ chức thực hiện tốt việc phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Khi có mưa trái mùa gây ngập úng cục bộ cần chú ý đào các rãnh nhỏ trên ruộng để thoát nước; sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK... cần phun các loại thuốc phòng trừ nấm, vi khuẩn gây hại như: Validacin 5SL, Ridomil gold 68WP, Kasuran 50WP,... để hạn chế thấp nhất các loại bệnh như héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ gây ra.

Sau Tết Nguyên đán, vận động nông dân ra đồng sớm, thăm đồng thường xuyên, tích cực chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng theo đúng thời kỳ sinh trưởng, phát triển và diễn biến tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng.

Đối với UBND các huyện, thị xã và thành phố, Phó Chủ tịch yêu cầu kiểm tra tất cả các công trình thủy lợi trên địa bàn, kịp thời sửa chữa các công trình bị hư hỏng, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 theo kế hoạch đề ra.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương phân công cán bộ bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt bố trí cán bộ trực trong dịp Tết Nguyên đán để nắm chắc diễn biến của sinh vật gây hại, tham mưu và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương nhằm tuyên truyền và hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại có nguy cơ bùng phát cao; hướng dẫn nông dân bón phân cân đối, hợp lý, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, thị xã và thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chăm sóc các loại cây trồng; tăng cường công tác dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật gây hại cho cây trồng, hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ kịp thời, có hiệu quả; triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bệnh khảm lá sắn, sâu keo mùa thu trên cây ngô, bệnh chết héo trên cây keo trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024.

Theo thống kê, hiện nay diện tích lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được gieo sạ xong và đạt kế hoạch đề ra (37.904,7ha/37.845,6ha kế hoạch), cây rau màu các loại đã xuống giống khoảng 13.424ha, đạt 69,7% so với kế hoạch.

B.T

https://vanban.quangngai.gov.vn/thongtin/vanban/detail?id=153931

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này