Truy cập nội dung luôn

Tổng hợp một số nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh nổi bật trong tuần (từ ngày 29/6-03/7/2020)

03/07/2020 17:32    552

Nâng cao chất lượng quản lý về quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý thị trường bất động sản và nhà ở; tăng cường kiểm soát đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng; triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật; một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2020; một số nhiệm vụ trọng tâm của Hội Chữ thập đỏ trong thời gian đến…là những thông tin chỉ đạo của UBND tỉnh nổi bật trong tuần (từ ngày 29/6-03/7/2020).

Nâng cao chất lượng quản lý về quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý thị trường bất động sản và nhà ở

 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý đối với các lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý hoạt động xây dựng, thị trường bất động sản và nhà ở. Đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch

 

Đối với công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, yêu cầu Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn năng lực đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương, đơn vị; phối hợp với Sở Xây dựng trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức viên chức thuộc địa phương, đơn vị tham gia công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị.

 

Tổ chức lập, phê duyệt (hoặc trình cấp thẩm quyền phê duyệt) đồng bộ và phủ kín 100% các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng vùng, khu chức năng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của địa phương, đơn vị, hoàn thành trong năm 2020-2021. Định kỳ kiểm tra, rà soát việc tổ chức chực hiện các quy hoạch được duyệt thuộc địa bàn quản lý để xây dựng kế hoạch điều chỉnh hoặc hủy bỏ kịp thời.

 

Tổ chức lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt vàtriển khai thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị; đảm bảo đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với phát triển nhà ở, công trình thương mại dịch vụ và các công trình đô thị khác.

Thực hiện nghiêm công tác quy hoạch, chịu trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng lập các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thuộc địa bàn quản lý; thực hiện tốt công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt và theo đúng quy định pháp luật.

Tổ chức rà soát, lồng ghép nội dung về quy hoạch không gian xây dựng ngầm, không gian trên cao, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào trong các đồ án quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị.

 

Tổ chức lập, trình phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình phát triển các đô thị thuộc địa bàn quản lý theo quy định; rà soát, đánh giá các chỉ tiêu của đô thị và tình hình thực hiện Chương trình phát triển đô thị của địa phương trong giai đoạn vừa qua; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chi tiết để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị giai đoạn tiếp theo (2021-2025), phát triển đô thị hướng tới đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh. Quản lý chặt chẽ việc đầu tư, phát triển các khu dân cư, khu đô thị thuộc địa bàn quản lý phù hợp với quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị được duyệt; tích cực, chủ động tìm kiếm, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo đúng kế hoạch đề ra.

 

Kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn (tập trung vào các dự án trong đô thị), xuyên suốt từ khi quy hoạch, thiết kế lập dự án đến thi công xây dựng, đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án với nhau và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của đô thị; kịp thời phát hiện những bất cập để có giải pháp điều chỉnh, khắc phục kịp thời. Đối với các dự án khu đô thị, khu dân cư mới trong đô thị: Nghiên cứu tổ chức quy hoạch mạng lưới giao thông phù hợp với nhu cầu phát triển (đường giao thông có chiều rộng lòng đường tối thiểu 7,5m; vỉa hè tối thiểu 3,5m sử dụng vật liệu có độ thẩm mỹ cao, thân thiện môi trường); quy hoạch xây dựng hệ thống chiếu sáng đường phố, chiếu sáng công cộng theo đúng Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ,...

 

Xây dựng và ban hành kế hoạch hạ ngầm các tuyến đường dây, đường ống trong khu vực đô thị, yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra; giám sát chặt chẽ và có biện pháp chế tài thích hợp, kịp thời đối với những trường hợp thi công, lắp đặt các tuyến hạ tầng kỹ thuật không phù hợp với quy hoạch, không đúng thiết kế được duyệt, không có giấy phép xây dựng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và gây mất mỹ quan đô thị.

 

Quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản

 

Đối với công tác quản lý thị trường bất động sản và nhà ở, giao Sở Xây dựng chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị có liên quan (hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đối với các nội dung vượt thẩm quyền) triển khai thực hiện kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản.

 

Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở xã hội; xây dựng và ban hành cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017.

 

Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo kết nối với hệ thống của Bộ Xây dựng theo đúng quy định của Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ.

 

Quản lý hoạt động xây dựng

 

Đối với công tác quản lý hoạt động xây dựng, giao Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm soát, quản lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả đối với các vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng thuộc địa bàn quản lý. Thực hiện nghiêm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về trật tự xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, đảm bảo nguyên tắc tất cả các công trình xây dựng phải được cơ quan có trách nhiệm ở địa phương kiểm tra, giám sát theo quy định ngay từ khi khởi công đến khi hoàn thành; các vi phạm về trật tự xây dựng phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời và triệt để.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ về chất lượng hồ sơ dự án đầu tư, thiết kế xây dựng, chất lượng thi công xây dựng, an toàn lao động tại công trình xây dựng, an toàn PCCCđối với các công trình thuộc trách nhiệm quản lý theo phân cấp trên địa bàn; đảm bảo tuân thủ quy hoạch, an toàn, tiết kiệm chi phí.

 

Tăng cường kiểm tra năng lực hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng không phù hợp với năng lực hành nghề được xét cấp.

 

Tăng cường kiểm soát đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng

 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, cấp Giấy phép xây dựng, thi công và quản lý chất lượng đối với nhà ở riêng lẻ có thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng tại Công văn số 2937/BXD-QLN ngày 18/6/2020.

 

Sở Xây dựng chủ trì theo dõi, hướng dẫn các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện điểm 1 Công văn này; trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. 

 

Triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật

 

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật.

 

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng được giao rừng phòng hộ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1788/CT-BNN-TCLN ngày 10/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, đặc biệt chú ý thực hiện các giải pháp chống chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

 

Chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh khẩn trương xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hoàn thành trước ngày 31/12/2020.

 

Rà soát, đề xuất xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đối với những vị trí, khu vực có tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí để có cơ sở triển khai thực hiện.

 

UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có sử dụng rừng trên địa bàn đã được UBND huyện, thị xã, thành phố cấp phép đầu tư để xác định sự phù hợp với Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật; sau khi kiểm tra, rà soát (nếu có) hướng dẫn, xử lý theo Công văn số 3923/BNN-TCLN ngày 11/6/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Hạt Kiểm lâm, UBND xã, phường, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, giải pháp chống chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

 

Triển khai cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được giao đất, rừng phòng hộ, liên kết nhóm hộ tự nguyện xây dựng, tổ chức thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đề án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. 

 

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2020

 

Đồng chí Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua và triển khai kế hoạch các tháng còn lại của năm 2020, xác định rõ trách nhiệm từng thành viên trong cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp để công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày càng kịp thời, hiệu quả hơn.

 

Rà soát, xây dựng phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai cơ bản có thể xảy ra trên địa bàn và thuộc phạm vi quản lý; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời. Đặc biệt, cần xây dựng phương án ứng phó mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, công trình đê điều, hồ đập; phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất ở miền núi.

 

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng gắn với tiêu chí 3.2. “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ” trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm tàu, thuyền, hướng dẫn cho các chủ phương tiện thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo đúng quy định, nhất là đối với các phương tiện đã hết hạn đăng kiểm, các phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm được; hướng dẫn và quản lý các phương tiện đảm bảo hoạt động an toàn, nhất là việc trang bị các trang thiết bị thông tin liên lạc để kịp thời thông báo khi có sự cố xảy ra.

 

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai của cấp xã, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn ngay từ các nhiệm vụ chuẩn bị, phòng ngừa; bảo đảm nguồn lực, các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là đầu tư cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đào tạo, tập huấn, diễn tập cho đội ngũ cán bộ phòng, chống thiên tai và cộng đồng. Củng cố, thành lập Đội xung kích Phòng, chống thiên tai tại cấp xã và xây dựng kế hoạch để đào tạo, tập huấn cho lực lượng này để phát huy hiệu quả ngay từ cơ sở.

 

Đối với các chủ công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện: Nghiêm túc tổ chức thực hiện vận hành hồ chứa nước, vận hành liên hồ theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện đầy đủ chế độ quan trắc, thông tin, báo cáo đến các cơ quan chức đúng quy định; kịp thời thông báo vận hành xả lũ đến chính quyền và Nhân dân địa phương vùng hạ du công trình để chủ động phòng, tránh ngập, lụt,...

 

Một số nhiệm vụ trọng tâm của Hội Chữ thập đỏ trong thời gian đến

 

Đồng chí Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Hội Chữ thập đỏ tỉnh chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, UBND cấp huyện quán triệt, hướng dẫn, chỉ đạo các trường bên cạnh các hoạt động đoàn, đội cần gắn với hoạt động nhân đạo trong nhà trường nhằm khơi dây tinh thần nhân ái của các em học sinh.

 

Cần đa dạng các hình thức thông tin, truyền thông qua mạng xã hội như: Zalo, facebook nhằm cổ vũ, động viên, tuyên truyền được nhanh chóng, hiệu quả. Tùy vào từng thời điểm, Hội chủ động làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi, Báo Quảng Ngãi và các cơ quan thông tấn báo chí để tăng thời lượng phát sóng, thông tin để công tác từ thiện, nhân đạo được phổ biến rộng rãi đến nhân dân; xem đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần lan tỏa gương người tốt, việc tốt.

 

Hội chủ động phối hợp với Sở Y tế và các địa phương tăng cường sự quan tâm, thể hiện trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với người hiến máu tình nguyện; nâng cao công tác truyền thông về bảo vệ sức khỏe cộng đồng; phối hợp nhân rộng đội tình nguyện ở trạm y tế cấp xã để thăm hỏi, động viên tinh thần đối với người bệnh.

 

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các phong trào, mô hình, công tác cảnh báo nguy cơ gây thảm họa để người dân phòng tránh, giảm thiểu tai nạn, nâng cao kỹ năng phòng, chống thiên tai, sơ cấp cứu ban đầu; đặc biệt là trẻ em ở các lứa tuổi theo từng điều kiện ở địa phương, vùng miền phù hợp, nhằm nâng cao kỹ năng sống.

 

Về công tác khác của Hội, cần duy trì, phối hợp và thực hiện tốt các chương trình do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang tài trợ; đồng thời, mời gọi các tổ chức phi chính phủ khác để triển khai các hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh; tham khảo các tỉnh hội, thành hội về các mô hình để học tập. Vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các tổ chức nước ngoài để tạo sự kết nối giữa Hội và các nhà tài trợ.

 

T.H (tổng hợp)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này