Truy cập nội dung luôn

Tổng hợp một số nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh nổi bật trong tuần (từ ngày 16-20/8/2021)

23/08/2021 10:48    961

Phòng, chống dịch Covid-19 đối với trường hợp ngư dân cập bờ tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh; thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn áp dụng mức “Nguy cơ rất cao” trong phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 18 giờ 00 phút ngày 20/8; Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình của địa phương; đến ngày 15/9/2021 phải hoàn thành hệ thống hóa hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp do cấp xã quản lý; phân công hỗ trợ các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021; chỉ đạo về công tác phòng cháy chữa cháy rừng; rà soát, đề xuất phương án xử hụt thu cân đối ngân sách tỉnh năm 2020…là những thông tin chỉ đạo của UBND tỉnh nổi bật trong tuần (từ ngày 16-20/8/2021).

Phòng, chống dịch Covid-19 đối với trường hợp ngư dân cập bờ tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo như sau: Đối với trường hợp ngư dân đánh bắt thủy sản trong trường hợp (sáng đi tối về, tối đi sáng về), cho phép cập cảng, giải quyết lên bờ bình thường.

Những phương tiện đi đánh bắt thủy sản dài ngày trên biển nhưng có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giám sát chặt chẽ (từ lúc đi, về, không giao dịch với các phương tiện ngoài tỉnh, không vào các cảng cá ngoài tỉnh), khi vào bờ thực hiện test nhanh Covid-19 đối với tất cả các ngư dân, nếu âm tính thì giải quyết cho lên bờ và không thực hiện việc cách ly y tế tập trung.

Những phương tiện tàu cá đi đánh bắt xa bờ (dài ngày) nhưng tắt thiết bị giám sát hành trình hoặc không có thiết bị giám sát hành trình, trốn tránh sự kiểm soát, khi vào bờ phải thực hiện xét nghiệm PCR đối với tất cả các ngư dân, nếu dương tính thì tổ chức điều trị; kết quả âm tính thì cách ly y tế tập trung và người được cách ly phải trả toàn bộ chi phí.

Đối với các phương tiện (trong tỉnh, ngoài tỉnh) cập cảng cá tại các địa phương ngoài tỉnh đang có dịch, tiếp xúc với các phương tiện ngoài khơi, không xác định được hành trình di chuyển; không xác định được có hay không có lây nhiễm, nếu về địa phương khi vào bờ phải xét nghiệm PCR, cách ly y tế tập trung và người được cách ly phải trả toàn bộ chi phí.

Trường hợp trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng thì xử lý vi phạm hành chính, làm lây lan dịch bệnh thì xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật (trường hợp bất khả kháng hoặc cần mua lương thực, thực thẩm thì cho phép nhưng có sự giám sát, khi thực hiện xong phải đi ngay, không được cập cảng).

 

Tiêu thụ thủy sản của ngư dân

 

Đối với việc tiêu thụ thủy sản của ngư dân đi biển: Các địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan có liên quan xây dựng phương án để tiêu thụ thủy sản nhanh nhất, đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả (theo đó, nếu người tại các địa phương khác khi đến giao dịch thu mua thì phải có xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ; đối với tiểu thương tại địa phương thực hiện nghiêm phòng, chống dịch; trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân).

Về thu mua thủy sản: Thống nhất cho các phương tiện tàu cá thu mua thủy sản ngoài khơi của các phương tiện đánh bắt ở vùng biển lộng, người thu mua phải có giấy xét nghiệm PCR còn hiệu lực.

Thống nhất cho các phương tiện thu mua ở các cảng cá tư nhân hoạt động nhưng kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch: Giao các địa phương tổ chức quản lý chặt chẽ tại nơi thu mua; người tham gia thu mua và người liên quan phải thường xuyên xét nghiệm PCR ít nhất 02 lần/tuần; nếu không đảm bảo điều kiện phòng chống dịch thì không cho hoạt động,...

Thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn áp dụng mức “Nguy cơ rất cao” trong phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 18 giờ 00 phút ngày 20/8

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ra Quyết định thay đổi biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19 trên địa bàn thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn tương ứng với mức “Nguy cơ rất cao” trong phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 18 giờ 00 phút ngày 20/8/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Quy định cụ thể:

Người dân chỉ ra ngoài trong các trường hợp thật sự cần thiết, như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp, như: Cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình, dịch vụ thiết yếu.

Người dân được phép lao động, sản xuất tại gia đình nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch và phải dừng ngay các hoạt động sản xuất, thu hoạch khi không bảo đảm an toàn.

Dừng tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh trừ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, công trình, dịch vụ thiết yếu, như: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu…), ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm…), bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám chữa bệnh, tang lễ, vệ sinh môi trường… Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ…) và dịch vụ ăn, uống tạm dừng hoạt động (trừ các cơ sở lưu trú phục vụ công tác phòng, chống dịch và phục vụ khách lưu trú thuộc các trường hợp cần thiết).

Không tập trung trên 02 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

Dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trường hợp cần thiết tổ chức cuộc họp, phải bảo đảm không quá 10 người trong một phòng (trừ các cuộc họp quan trọng, cấp bách do cấp có thẩm quyền quyết định).

Dừng các hoạt động: Lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao, tôn giáo, tín ngưỡng, đám cưới, mừng nhà mới, thôi nôi, sinh nhật… Riêng đối với đám tang được tổ chức nhưng không quá 10 người tham dự, phải được cơ quan y tế địa phương tổ chức giám sát nghiêm ngặt.

Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách từ thị trấn Châu Ổ đi các địa phương trong tỉnh và ngược lại. Phương tiện giao thông đường bộ được đi qua địa bàn thị trấn Châu Ổ nhưng không được dừng, đỗ đón trả khách và giao nhận hàng hóa (trừ trường hợp hàng hóa thiết yếu).

Người dân thị trấn Châu Ổ không ra khỏi nhà từ 18 giờ 00 phút ngày hôm trước đến 04 giờ 00 phút ngày hôm sau, trừ các trường hợp:

Cấp cứu, thiên tai, hỏa hoạn, thi hành công vụ hoặc theo yêu cầu phòng, chống dịch.

Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, hoạt động bưu chính viễn thông.

Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.

Các phương tiện vận chuyển và hoạt động cung cấp hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón người lao động và người lao động đi làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Yêu cầu phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện phòng, chống dịch, đặc biệt nâng cao ý thức và sự chấp hành của nhân dân đối với các yêu cầu giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, giữa gia đình với gia đình, hạn chế việc đi lại, tuyệt đối không tụ tập đông người, không ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết.

Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình của địa phương

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình của địa phương, ngoài các biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19 tương ứng với địa bàn theo các Quyết định 1161/QĐ-UBNĐ ngày 07/8/2021 đối với thành phố Quảng Ngãi và Quyết định 1175/QĐ-UBND ngày 10/8/2021 đối với huyện Bình Sơn.

Cụ thể căn cứ điểm  a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch và diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, xem xét quyết định áp dụng thêm một số biện pháp phù hợp với tình hình của địa phương mình, đảm bảo phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế theo dõi tình hình dịch bệnh tại các địa phương, căn cứ nội dung quy định tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ và các quy định có liên quan, chủ động, kịp thời tham mưu UBND tỉnh bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp trên địa bàn tỉnh.

Đến ngày 15/9/2021 phải hoàn thành hệ thống hóa hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp do cấp xã quản lý

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn thống nhất gia hạn lần cuối thời gian hoàn thành việc hệ thống hồ sơ quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố chậm nhất đến hết ngày 15/9/2021.

Đây là nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành hệ thống hóa hồ sơ đảm bảo đầy đủ, chất lượng theo yêu cầu; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu tiếp tục để chậm trễ và chất lượng hồ sơ không đảm bảo.

Các địa phương chưa nộp hồ sơ hoặc nộp chưa đầy đủ hồ sơ (gồm các huyện: Ba Tơ, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức) khẩn trương nộp đầy đủ hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường để Sở tổ chức thẩm định và ký xác nhận bản đồ, hồ sơ đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn.

Các địa phương đã được Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến đề nghị chỉnh sửa, hoàn thiện lại sản phẩm, hồ sơ (gồm: Thị xã Đức Phổ và huyện Sơn Tịnh) khẩn trương hoàn thiện lại hồ sơ, sản phẩm và nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường để phúc tra và ký xác nhận sản phẩm.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tổ chức thẩm định, ký xác nhận sản phẩm Bản đồ, Sổ Địa chính, Sổ Mục Kê của các huyện, thị xã, thành phố (gồm: xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành; xã Phổ Châu, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ; thành phố Quảng Ngãi và các xã: Đức Phong, Đức Thạnh, Đức Phú, Đức Hòa và Đức Minh, huyện Mộ Đức); đồng thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chậm nhất trước ngày 15/9/2021 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 19/4/2018 trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Phân công hỗ trợ các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021

Chủ tịch UBND tỉnh vừa phân công các sở, ngành tỉnh hỗ trợ các huyện, xã thuộc Kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.

Cụ thể, các Sở: Giáo dục và Đào tạo trực tiếp theo dõi, hỗ trợ xã Bình Chánh; Văn hóa, Thể thao và Du lịch: xã Bình Hải; Lao động - Thương binh và Xã hội: xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, hỗ trợ xã Phổ Nhơn; Sở Giao thông vận tải: xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ.

Ngoài ra, các Sở ngành hỗ trợ, đôn đốc các xã còn các tiêu chí chưa đạt, cụ thể như Sở Giao thông vận tải các xã: Bình Thuận, Bình Hải, Phổ Nhơn (tiêu chí số 2); Chi cục Thủy lợi: xã Bình Chánh (tiêu chí số 3); Sở Giáo dục và Đào tạo: xã Bình Hải (tiêu chí số 5);

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ, đôn đốc các xã: Bình Thuận, Bình Chánh, Phổ Nhơn, Phổ Khánh (tiêu chí số 6); Sở Công Thương: xã Bình Chánh (tiêu chí số 7); Cục Thống kê tỉnh: xã Bình Thuận (tiêu chí số 10); Sở Tài nguyên và Môi trường các xã: Bình Thuận, Phổ Khánh (tiêu chí số 17); Sở Nội vụ các xã: Bình Hải, Phổ Nhơn (tiêu chí số 18).

Đối với cấp huyện, phân công Sở Xây dựng theo dõi đôn đốc thành phố Quảng Ngãi; Sở Nội vụ tiếp tục, theo dõi đôn đốc huyện Lý Sơn.

Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, lãnh đạo các đơn vị chủ động kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các xã, huyện, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các địa phương hoàn thành kế hoạch nông thôn mới trong năm 2021.

Chỉ đạo về công tác phòng cháy chữa cháy rừng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, Công an địa phương khi có cháy rừng xảy ra phải khẩn trương xác định nguyên nhân, xác định rõ đối tượng gây ra cháy rừng và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính răn đe, giáo dục người dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương, Sở Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền về PCCCR, nội dung tuyên truyền phải cụ thể, sát thực tế, phù hợp với đặc điểm vùng miền, địa phương, phương thức thực hiện phải đến được với chủ rừng, người liên quan đến rừng, đặc biệt là người dân miền núi hoạt động sản xuất gắn với rừng.

Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương phải xác định cụ thể các chủ rừng có nhu cầu đốt thực bì để hướng dẫn chủ rừng nắm rõ cách thức xử lý thực bì, phòng chống cháy lan, thực hiện khai báo cho trưởng thôn/làng, Kiểm lâm địa bàn về kế hoạch đốt thực bì cụ thể thời gian, địa điểm, sự tham gia, thống nhất của các chủ rừng lân cận; tổ chức lực lượng theo dõi, kiểm tra, sẵn sàng ứng trực sau khi tiếp nhận thông tin khai báo đốt xử lý thực bì.

Lực lượng Kiểm lâm cùng với chính quyền địa phương phải cử người túc trực có mặt ở hiện trường trong mùa cao điểm nắng nóng; tổ chức kiểm soát, thực hiện nghiêm việc khai báo đối với người vào rừng, không cấm người vào rừng nhưng phải thực hiện khai báo để kiểm soát; xử lý nghiêm theo quy định đối với người không chấp hành.

Chủ rừng và các đơn vị liên quan quản lý các công trình đóng trên các khu vực rừng, đặc biệt là công trình điện chịu trách nhiệm trang bị trang thiết bị PCCCR hoặc hỗ trợ địa phương trang thiết bị PCCCR, bảng biểu tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm sở tại và chính quyền địa phương trong công tác PCCCR.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu ứng dụng công nghệ thiết bị phục vụ kiểm soát, quản lý rừng bằng vệ tinh, Flycam,... trong điều kiện địa hình rừng núi không thuận lợi để tiếp cận hiện trường,...

Rà soát, đề xuất phương án xử hụt thu cân đối ngân sách tỉnh năm 2020

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính rút kinh nghiệm trong việc thiếu chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi và các sở, ngành có liên quan để rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét về phương án xử lý hụt thu ngân sách tỉnh năm 2020 so với dự toán HĐND tỉnh giao sát đúng, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và việc chậm tham mưu UBND tỉnh xem xét, thu hồi nguồn cải cách tiền lương năm 2020 còn thừa tại các địa phương.

Sở Tài chính chủ trì, khẩn trương rà soát, đánh giá, xác định chính xác số liệu hụt thu cân đối ngân sách tỉnh so với dự toán HĐND tỉnh giao năm 2020 (trong đó lưu ý việc giảm chi ngân sách niên độ 2020 đối với các dự án đầu tư để chi và quyết toán sang năm 2021; việc cắt, giảm các dự án đầu tư chưa thực sự cần thiết và giãn chi các dự án đầu tư của năm 2021 sang năm 2022 phải cụ thể danh mục dự án, nguồn vốn…); trên cơ sở đó tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét phương án xử lý hụt thu ngân sách năm 2020 tối ưu nhất, để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét làm cơ sở triển khai thực hiện.

 

Về thu hồi kinh phí từ nguồn cải cách tiền lương năm 2020 còn thừa tại các huyện, thị xã, thành phố. Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện. Trường hợp chậm nộp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giảm trừ trong dự toán giao năm 2022 theo quy định.

T.H (tổng hợp)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này