Truy cập nội dung luôn

Một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 13-17/2/2023

17/02/2023 16:52    731

Khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Quảng Nam; giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất; quy định tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại; tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh; chấn chỉnh công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra…là một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 13-17/2/2023.

Khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Quảng Nam

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì, tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh, kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường bộ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm; đặc biệt xem xét trách nhiệm của chủ doanh nghiệp (chủ phương tiện) gây tại nạn xảy ra tại Quảng Nam ngày 14/2/2023; phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ngãi và cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp thông tin để điều tra vụ tai nạn giao thông theo quy định.

Công an tỉnh siết chặt kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi chở quá số người quy định, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải khi để xảy ra vi phạm, không để xảy ra các sự việc tương tự.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng siết chặt công tác quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn; kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm; gửi Sở Giao thông vận tải kết quả thực hiện trước ngày 25/02/2023 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 28/02/2023.

Giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Bình Sơn chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi rà soát giải quyết các nội dung kiến nghị của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất tại Công văn số 088/2023/CV-HPDQ ngày 03/02/2023 trước ngày 28/02/2023 và đề xuất các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định đối với các nội dung thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn tổ chức trực báo định kỳ 01 tháng/lần, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 10 của tháng tiếp theo; lưu ý, đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh phải lấy kiến kiến các sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh theo đúng Quy chế làm việc của UBND tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã có liên quan quyết liệt, tích cực trong việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất để đáp ứng theo tiến độ các dự án đề ra; đối với các nội dung tồn tại, vướng mắc phải lập kế hoạch cụ thể để giải quyết dứt điểm, chấm dứt tình trạng kéo dài qua nhiều năm như trước đây.

Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất chủ động, phối hợp tích cực với UBND các xã có liên quan, các Phòng ban, đơn vị trực thuộc và UBND huyện Bình Sơn để giải quyết các nội dung tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền, đảm bảo việc thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật hiện hành.

Quy định tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND Quy định về tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến vận chuyển các loại chất thải trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các phương tiện tham gia vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không bị giới hạn thời gian vận chuyển. Còn các phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại chỉ được vận chuyển trong khoảng thời gian từ 20 giờ đến 06 giờ ngày hôm sau, không giới hạn thời gian vận chuyển đối với khu vực ngoài đô thị. Các loại chất thải nói trên được phép vận chuyển trên tất cả các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định này. Phối hợp kiểm tra phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý, chất thải nguy hại khi lưu thông trên các tuyến đường và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại triển khai thực hiện quyết định này.

Đồng thời, phối hợp với UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; xử lý hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác quản lý, vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý, vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tổ chức kiểm tra, giám sát, theo dõi lộ trình, thời gian hoạt động vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong trường hợp phát hiện những vi phạm về quản lý, vận chuyển chất thải trên địa bàn để xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ chức tuyên truyền cộng đồng, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại.

UBND cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra đơn vị, hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải, đơn vị vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại thuộc địa bàn quản lý. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; xử lý hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về vận chuyển chất chất thải rắn sinh hoạt, thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo quy định.

Cơ sở thu gom, vận chuyển chấp hành các quy định của pháp luật khi vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên đường. Cung cấp lộ trình (vị trí điểm đi, điểm đến, cung đường vận chuyển) và thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chuyên môn khi có yêu cầu phối hợp. Dữ liệu, thông tin từ thiết bị giám sát hành trình phải được chia sẻ khi có yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Quản lý các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại theo đúng lộ trình và thời gian vận chuyển theo quy định tại Quyết định

Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp sát với tình hình hình thực tế, có kế hoạch chi tiết, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và thực hiện một số nhiệm vụ mới phát sinh liên quan đến công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu.

Cụ thể, các Sở: Tài chính, Công Thương theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp bình ổn giá phù hợp; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động thất thường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chú trọng công tác bảo đảm nguồn cung đối với mặt hàng thịt lợn, phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường.

Sở Giao thông vận tải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; rà soát việc tăng giá phải phù hợp với diễn biến và cơ cấu của chi phí xăng dầu trong chi phí vận tải.

Sở Xây dựng thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng kịp thời theo đúng quy định; công bố giá đất làm vật liệu và san lấp kịp thời, đúng với mức giá được thẩm định và kê khai, không để ảnh hưởng đến việc thực hiện các Dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các dự án trọng điểm khác); chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan thực hiện các biện pháp kiểm soát giá, kiểm tra các yếu tố cấu thành giá đất làm vật liệu và san lấp để làm cơ sở yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá (nếu có) và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng.

Các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng nhiệm vụ theo dõi, chủ động đề xuất UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp sau khi có quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát, nghiên cứu, tổ chức thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Thông báo số 04/TB-VPCP ngày 05/01/2023 của Văn phòng Chính phủ đối với các nội dung thuộc phạm vi quản lý và phối hợp với cùng các sở, ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ có liên quan công tác quản lý, điều hành giá tại địa phương.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời xử lý các sai phạm, lợi dụng tình hình thị trường có biến động để tăng giá bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả; trong đó tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định.

Chấn chỉnh công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thanh tra, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 492/UBND-NC yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về chấn chỉnh công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 4409/UBND-NC ngày 31/8/2022.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực. Trong đó, về quản lý dự án đầu tư xây dựng, yêu cầu các sở, ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư công; tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời cụ thể hóa quy định của Trung ương đối với cơ chế, chính sách về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước; cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng theo hướng phân cấp mạnh đối với những trường hợp được pháp luật cho phép, rõ trách nhiệm, giảm thời gian của các khâu trong quá trình đầu tư và xây dựng; nhất là tiến độ lập, thẩm định phê duyệt dự án, rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư các dự án.

Việc phê duyệt và bố trí vốn cho dự án phải bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư dự án, công trình thiết thực với đời sống nhân dân và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tránh tình trạng đầu tư dàn trãi, thiếu quy hoạch; việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phải thực hiện công khai, minh bạch đảm bảo theo quy định của pháp luật về đầu tư công; theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh và quy định của UBND tỉnh; quản lý, sử dụng vốn cho từng dự án phải đúng theo tỷ lệ từng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án đầu tư và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng theo đúng lộ trình quy định; không đưa các tiêu chí không phù hợp vào hồ sơ mời thầu để tạo lợi thế cho một số nhà thầu; nâng cao chất lượng đánh giá, thẩm định hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm tránh loại nhà thầu vì những sai sót không nghiêm trọng, không yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu theo quy định; sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí tiết kiệm qua đấu thầu.

Các cơ quan thanh tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động đầu tư dự án xây dựng cơ bản; thanh tra các dự án dễ phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, dự án đầu tư khẩn cấp, dự án chậm tiến độ; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý dự án. Qua thanh tra, kiểm tra cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những thiếu sót, tồn tại, hạn chế để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh tình trạng kiến nghị biện pháp xử lý không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, bỏ lọt tội phạm.

Về quản lý, sử dụng đất công ích và đất nông nghiệp khác, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 19/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý đất công ích và các loại đất nông nghiệp khác do UBND cấp xã quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh. Rà soát, xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng đất công ích sai mục đích, có biện pháp xử lý đối với các tập thể, cá nhân giao đất, cho thuê đất không đúng quy định của pháp luật. Chủ động kiểm tra, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất công ích cho cấp xã.

Về chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất tại UBND cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra công tác chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất tại UBND cấp xã trên địa bàn nhằm phát hiện những sai sót, hạn chế, khuyết điểm để kịp thời chấn chỉnh; khắc phục sai phạm trong việc lập sổ, hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch không theo đúng theo mẫu, không đảm bảo thông tin, nội dung, số lượng theo quy định. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chứng thực cho công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã.

BBT

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này