Truy cập nội dung luôn

Một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 27-31/3/2023

01/04/2023 14:57    220

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ; Tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; Ban hành quy định mức hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Kịp thời phát hiện, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi … là một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 27-31/3/2023.

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ và công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023. Theo đó, đối với công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi; triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn công trình trước, trong mùa mưa, lũ năm 2023.

Đối với các công trình thủy lợi đang thi công, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng dự án thủy lợi bảo đảm hoàn thành (hoặc kết thúc điểm dừng kỹ thuật hợp lý) trước mùa mưa lũ năm 2023 nhằm đảm bảo an toàn cho công trình; xây dựng và triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình nhằm bảo đảm an toàn trong mọi tình huống, đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực, xe máy để ứng phó kịp thời khi mưa, lũ lớn xảy ra.

UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi trước mùa mưa, lũ năm 2023 đối với công trình thủy lợi đang khai thác sử dụng được UBND tỉnh phân cấp quản lý và các công trình đang thi công do địa phương quyết định đầu tư, làm chủ đầu tư; triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi trước, trong mùa mưa, lũ năm 2023 theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý khai thác và an toàn công trình đối với các công trình được UBND tỉnh phân cấp quản lý.

Tiếp tục rà soát năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công nhân kỹ thuật làm công tác quản lý, vận hành công trình nhằm đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ. Chuẩn bị tốt công tác huy động nhân lực, vật tư, thiết bị,… theo phương án ứng phó thiên tai đã được các địa phương phê duyệt để sẵn sàng triển khai, thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình khi có tình huống xấu xảy ra.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Quảng Ngãi có trách nhiệm tổ chức vận hành thử các cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ hồ chứa và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành.

Đối với các hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ, đặc biệt là hồ chứa Nước Trong phải quan trắc 04 lần/ngày và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn. Cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 02 lần/ngày trong điều kiện thời tiết bình thường và 04 lần/ngày khi có mưa, lũ (trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ) lên trang điện tử của Cục Thủy lợi và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, đảm bảo đúng tính chất nguồn kinh phí, đúng mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả.

Trong đó, lưu ý tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện chuyển đổi số. Công tác đầu tư, mua sắm trong các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần theo nguyên tắc: Có người làm, có người giám sát độc lập, thực hiện việc kiểm tra, giám sát kịp thời ngay từ khâu lập kế hoạch, phê duyệt chủ trương, lập dự toán đến các khâu thực hiện đầu tư, mua sắm và đến khâu quyết toán. 

Đồng thời, dự toán phải được tính đúng, tính đủ, đúng quy định, định mức và đơn giá của Nhà nước, phù hợp với thị trường, tham khảo giá và công bố giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ các quy trình lựa chọn nhà thầu đảm bảo cạnh tranh, minh bạch; sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn có chất lượng tốt nhất với giá cả phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các nhiệm vụ, dự án cần tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, đồng bộ, chia sẻ, kết nối liên thông dữ liệu với các cơ quan liên quan, đạt được các mục tiêu đã đề ra; tránh đầu tư dàn trải, trùng lặp, chồng chéo. Hệ thống công nghệ thông tin phải bảo đảm các yêu cầu an toàn thông tin theo cấp độ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính theo dõi, giám sát việc thực hiện quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; thường xuyên rà soát, tổng hợp, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc xem xét, báo cáo Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện thể chế đảm bảo phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Cùng với đó, là tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định các nhiệm vụ, chương trình, dự án công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Trong đó, xác định rõ giải pháp kỹ thuật, công nghệ đáp ứng được nhu cầu, phù hợp với quy mô, tính chất, đảm bảo sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn là các sản phẩm, dịch vụ tốt ở thời điểm lựa chọn. Dự án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phải xác định rõ hiệu quả đầu tư, hiệu quả đầu tư cần đo lường, định lượng được. Xây dựng và triển khai các tiêu chí đánh giá hiệu quả việc đầu tư/ thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Ban hành quy định mức hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ cho hộ sản xuất bị thiệt hại do dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Theo Quyết định trên, mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do dịch bệnh quy định như sau: Diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%: 1.000.000 đồng/ha. Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%: 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%: 10.000.000 đồng/ha.

Diện tích lúa lai bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%: 1.500.000 đồng/ha. Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%: 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%: 15.000.000 đồng/ha.

Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70%: hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%: 1.000.000 đồng/ha.

Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%: 2.000.000 đồng/ha.

Mức hỗ trợ đối với sản xuất lâm nghiệp: Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%: 2.000.000 đồng/ha.

Diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% - 70%: 20.000.000 đồng/ha.

Mức hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản: Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại từ 30% - 70%: hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ từ 8.500.000 đồng/ha.

Diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại từ 30% - 70%: hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ từ 5.000.000 đồng/ha. Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại từ 30% - 70%: hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ từ 7.000.000 đồng/ha. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại từ 30% - 70%: hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ từ 25.000.000 đồng/ha.

Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại từ 30% - 70%: hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ từ 50.000.000 đồng/ha.

Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại từ 30% - 70%: hỗ trợ 5.000.000 đồng/100mlồng; bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ từ 8.500.000 đồng/100mlồng. Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh bị thiệt hại từ 30% - 70%: hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ từ 25.000.000 đồng/ha. Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại từ 30% - 70%: hỗ trợ 25.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ từ 43.000.000 đồng/ha.

Lồng, bè nuôi trồng ngoài biển (xa bờ, ven đảo) bị thiệt hại từ 30% - 70%: hỗ trợ 13.000.000 đồng/100mlồng; bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ từ 18.000.000 đồng/100mlồng. Diện tích nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác bị thiệt hại từ 30% - 70%: hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại trên 70%: hỗ trợ từ 5.000.000 đồng/ha.

Mức hỗ trợ đối với vật nuôi gia súc, gia cầm: Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ, cụ thể: Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn; 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai; 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).

Kịp thời phát hiện, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022-2025”, với mục đích quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025” của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng với trọng tâm là phát hiện, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

 

Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của các phong trào thi đua yêu nước và hiệu quả thiết thực của việc phát hiện, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, tạo động lực để tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đề ra các giải pháp tuyên truyền gương điển hình tiên tiến gồm công tác phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng điển hình tiên tiến đối với tập thể, cá nhân gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; có mô hình mới, cách làm hay, nhiều sáng kiến, giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực và là nhân tố nổi trội, tiêu biểu, dẫn đầu trong các phong trào thi đua do sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức; có tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, các hoạt động xã hội khác nhằm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đổi mới nội dung, hình thức, phương thức phổ biến, tuyên truyền điển hình tiên tiến đảm bảo khách quan, trung thực, tránh cường điệu, thổi phồng thành tích. Mở chuyên trang, chuyên mục trên Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, cổ động trực quan; tuyên truyền thông qua việc ứng dụng trên các nền tảng số, mạng xã hội zalo, facebook,… nhằm phổ cập rộng rãi, tạo sự tương tác với khán giả, thính giả, độc giả,… góp phần biểu dương các điển hình, gương người tốt, việc tốt, thực hiện tốt mục tiêu: “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.

Hằng năm, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng, các phong trào thi đua và công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến đối với một số sở, ngành, địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, cụ thể trách nhiệm của các thành viên Hội đồng để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng, các phong trào thi đua và công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến thuộc phạm vi quản lý.

Các sở, ngành, địa phương, đơn vị bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, năng lực thực tiễn, tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm, có trình độ, năng lực tham mưu, hoạch định, tổ chức phong trào thi đua, đáp ứng yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay.

BBT

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này