Truy cập nội dung luôn

Một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 20-24/4/2023

24/02/2023 16:52    577

Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh; Mức hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển sản xuất cộng đồng Chương trình MTQG; Triển khai Kết luận số 45-KL/TW về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia; Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN giảm 4,5%; Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội; Kế hoạch triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới…là một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 20-24/4/2023.

Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh                                                                                                                            

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 615/UBND-KTN chỉ đạo thực hiện tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi chịu trách nhiệm khẩn trương tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 03/6/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Triển khai xây dựng đường gom, hàng rào và các vị trí lối đi tự mở đã quy hoạch lên đường ngang nhằm bảo đảm xóa bỏ các lối đi tự mở theo đúng tiến độ tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 03/6/2021 của UBND tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường sắt, đường bộ đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt các hộ dân sống dọc hai bên đường sắt; khi giải quyết các thủ tục về đất đai cho doanh nghiệp và người dân phải tính đến phương án đảm bảo an toàn giao thông khi đưa vào khai thác theo quy định của pháp luật về đường sắt; khi quy hoạch các khu dân cư phải lưu ý để không vi phạm đến hành lang an toàn giao thông đường sắt, đường bộ. Rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, vạch dừng, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc trên phần đường bộ do địa phương quản lý tại các đường ngang theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ.

Đối với các lối đi tự mở có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cao tại Km899+450 và Km899+800 (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn); Km900+950 (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn); Km912+550 (xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn); Km957+020 (xã Đức Lân, huyện Mộ Đức); Km981+560 và Km982+970 (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ), thực hiện việc tổ chức cảnh giới theo quy định. Trong tường hợp chưa bố trí nhân sự cảnh giới thì chỉ đạo UBND cấp xã chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và phối hợp với ngành đường sắt thường xuyên kiểm tra, thu hẹp các lối đi tự mở.

Chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng ngành đường sắt và các đơn vị khác có liên quan khẩn trương xử lý dứt điểm 11 vụ việc vi phạm đất dành cho đường sắt tại các vị trí: Km899+420, Km899+460, Km899+900, Km902+200, Km902+420 xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn; Km923+164 xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh và Km978+760, Km990+250, Km990+280, Km990+303, Km994+250 phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/6/2023.

Giao UBND huyện Bình Sơn chịu trách nhiệm khẩn trương phối hợp với ngành đường sắt và các cơ quan, đơn vị có liên quan xoá 02 lối đi tự mở tại Km899+450 và Km899+800 theo đề nghị của Cục Đường sắt Việt Nam tại Thông báo số 2327/TB-CĐSVN ngày 31/10/2022; hoàn thành trước ngày 15/3/2023.

Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương có đường sắt đi qua

Mức hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển sản xuất cộng đồng Chương trình MTQG

Ngày 17/02/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 08/2023/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ cụ thể thực hiện một (01) dự án, kế hoạch phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ một (01) dự án, phương án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Quyết định này Quy định mức hỗ trợ cụ thể từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện một (01) dự án, kế hoạch phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ một (01) dự án, phương án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Đối tượng áp dụng, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân tham gia hoặc có liên quan trong quản lý, tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Về mức hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện một (01) dự án, kế hoạch phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Quy định một số nội dung, mức chi, mức hỗ trợ kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2015 kèm theo Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND ngày 11 tháng 11 năm 2022 của HĐND tỉnh.

Mức hỗ trợ cụ thể từ vốn ngân sách nhà nước thực hiện một (01) dự án, phương án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia như sau:

Đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, hỗ trợ 95% tổng kinh phí, nhưng không quá 600 triệu đồng/dự án, phương án phát triển sản xuất cộng đồng.

Đối với địa bàn khó khăn, hỗ trợ 80% tổng kinh phí, nhưng không quá 600 triệu đồng/dự án, phương án phát triển sản xuất cộng đồng.

Đối với địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư, hỗ trợ 60% tổng kinh phí, nhưng không quá 600 triệu đồng/dự án, phương án phát triển sản xuất cộng đồng.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2023.

Triển khai Kết luận số 45-KL/TW về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia

 Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 627/UBND-KTTH thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về triển khai Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nội dung Kết luận số 45-KL/TW với nhiều hình thức phù hợp giúp các cơ quan, đơn vị, người lao động và Nhân dân hiểu rõ về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Nghiên cứu, vận dụng những quan điểm, định hướng chủ yếu được nêu tại Kết luận số 45-KL/TW để thực hiện hiệu quả chức năng nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành Trung ương trong việc hoàn thiện nội dung liên quan đến các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và quy hoạch chuyên ngành.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham mưu UBND tỉnh triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả, chất lượng quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Phối hợp tích cực với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan và địa phương có liên quan đẩy nhanh công tác lập quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp với không gian, thực tế phát triển, khả năng huy động nguồn lực của tỉnh, của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN giảm 4,5%

 UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND về thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi năm 2023.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh; nâng cao đời sống người dân, góp phần giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS&MN.

Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN giảm 4,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2023; thực hiện 02 dự án xây dựng, thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tập trung; nhựa hóa, bê tông hoặc cứng hóa khoảng 60km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân; xây dựng 04 công trình nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ 3.3030 hộ sử dụng nước sinh hoạt phân tán. Xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 03 trường bán trú và 04 trường có học sinh bán trú.

Đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 860 hộ; giải quyết sinh kế cho 2.400 hộ; đào tạo nghề cho khoảng 1.690 người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 10.500 hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn ĐBKK,…

Bên cạnh đó, tổ chức bảo tồn 11 loại hình văn hóa phi vật thể; hỗ trợ đầu tư xây dựng 16 thiết chế văn hóa, thể thao thôn; hỗ trợ đầu tư xây dựng 01 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS&MN. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho 306 người có uy tín trong cộng đồng àm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở; bồi dưỡng kiến thức về chính sách dân tộc, công tác dân tộc cho hơn 450 cán bộ, công chức, viên chức,…

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình trong năm 2023 là 829 tỷ đồng.

Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 626/UBND-KTTH chỉ đạo thực hiện yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về triển khai Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT ngày 22/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai (PCTT) vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ nội dung Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT và Sổ tay hướng dẫn kèm theo Công văn số 9468/BKHĐT-KTNN ngày 26/12/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lồng ghép nội dung PCTT vào kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách.

 Bố trí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước được giao quản lý, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để tổ chức và thực hiện lồng ghép nội dung PCTT vào Quy hoạch, Kế hoạch của ngành, địa phương.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện thu thập, phân tích số liệu, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm (có nội dung lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu) theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Xác định rõ quan điểm, định hướng lồng ghép nội dung PCTT khi xây dựng các Nghị quyết, Quyết định phát triển ngành, kinh tế - xã hội và các văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của ngành và địa phương. Tổ chức thực hiện lồng ghép, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch tỉnh, kế hoạch của tỉnh.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện thu thập, phân tích số liệu, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch PCTT 05 năm và kế hoạch thực hiện hằng năm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện thu thập, phân tích số liệu, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) 05 năm và kế hoạch thực hiện hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phê duyệt kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hằng năm (có nội dung lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH) theo hướng dẫn của UBND tỉnh.

 Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện các nội dung liên quan theo Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT, Công văn số 9468/BKHĐT-KTNN ngày 26/12/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các quy định khác có liên quan.

Kế hoạch triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoách số 32/KH-UBND triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của kế hoạch là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái cảnh quan của khu vực nông thôn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tăng cường thu hút các nguồn lực, nhất là phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có lợi thế của tỉnh, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Kế hoạch tập trung thực hiện các nôi dung trọng tâm như: Hoàn thiện văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền, tập huấn và nâng cao năng lực về du lịch nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn; triển khai áp dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Xây dựng các hoạt động quảng bá, giới thiệu về du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua việc tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn. Lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung, các chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP; hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành mạng lưới kết nối cung - cầu về du lịch nông nghiệp, nông thôn.

BBT

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này