Truy cập nội dung luôn

Một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 19-23/12/2022

23/12/2022 17:17    525

Phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022- 2023; ban hành khung giá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến các sản phẩm động vật đông lạnh; thực hiện các nhiệm vụ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; hỗ trợ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh… là một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 19-23/12/2022.

Phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022- 2023

Để hạn chế thiệt hại đối với đàn gia súc, gia cầm do thời tiết rét lạnh gây ra và đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022- 2023, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đoàn công tác đến từng xã, thị trấn (đặc biệt là các huyện miền núi) để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các biện pháp chống rét, chống đói cho gia súc, nhất là các vùng cao, những nơi nuôi nhiều trâu, bò, dê; chỉ đạo chính quyền cấp xã, thôn phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực hỗ trợ các hộ chăn nuôi vào rừng đưa gia súc về chuồng trại, không để thả rông và thực hiện các biện pháp chống rét, chống đói cho gia súc phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế tại địa phương.

Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, trong đó lưu ý thực hiện các biện pháp: Chuồng trại đủ ấm, không thả rông trâu bò khi nhiệt độ xuống thấp, đảm bảo đủ thức ăn, chăm sóc riêng trâu, bò già và bê, nghé trong thời gian xảy ra rét hại cho đến khi thời tiết ấm lên mới chăn thả.

Đối với sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023, kiểm tra tất cả các công trình thủy lợi trên địa bàn, có kế hoạch sửa chữa các công trình bị hư hỏng, đảm bảo sẵn sàng phục vụ sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm các công trình đầu mối, các công trình trong khu vực nguồn nước có khả năng bị nhiễm mặn. Phát động phong trào làm thủy lợi nội đồng, tập trung nạo vét cửa cống lấy nước, kênh dẫn, bể hút, trạm bơm.

Củng cố và phân công trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo sản xuất của huyện, thị xã và thành phố để chỉ đạo các địa phương và bà con nông dân trong việc triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2022 -2023 thực hiện đúng cơ cấu giống và lịch thời vụ của mình.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các đơn vị chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai kế hoạch sản xuất, tiến hành làm đất, vệ sinh đồng ruộng, ra quân diệt chuột ngay từ đầu vụ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng chống rét, chống đói cho gia súc, báo cáo UBND tỉnh. Theo dõi diễn biến thời tiết trong thời gian đến để có khuyến cáo kịp thời về lịch sản xuất vụ Đông – Xuân trên địa bản tỉnh.

Ban hành khung giá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

UBND tỉnh vừa đã ban hành Quyết định số 50/2022/QĐ-UBND về khung giá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/12/2022

Khung giá rừng thuộc sở hữu toàn dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, gồm: khung giá rừng phòng hộ là rừng tự nhiên; khung giá rừng sản xuất là rừng tự nhiên; khung giá rừng phòng hộ là rừng trồng; khung giá rừng sản xuất là rừng trồng được quy định tại Quyết định này.

Về điều chỉnh khung giá rừng, khung giá rừng được điều chỉnh kịp thời khi các yếu tố hình thành giá rừng thay đổi; khung giá rừng được xem xét điều chỉnh trong trường hợp có biến động tăng hoặc giảm trên 20% so với giá quy định hiện hành liên tục trong thời gian 06 (sáu) tháng trở lên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn triển khai áp dụng khung giá rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về trình tự thủ tục xin giao rừng, thuê rừng, thu hồi rừng; tổ chức kiểm tra trong quá trình thực hiện; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh khung giá rừng theo quy định của pháp luật.

Sở Tài chính hướng dẫn việc thu và quản lý sử dụng nguồn thu từ việc giao rừng, thuê rừng, bồi thường rừng, thu hồi rừng theo các quy định hiện hành. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh khung giá rừng theo quy định của pháp luật.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp gắn liền với giao rừng, cho thuê rừng; việc thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt (nếu có).

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND cấp xã tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị giao rừng, cho thuê rừng của hộ gia đình, cá nhân đúng trình tự, thủ tục; triển khai thực hiện các quyết định giao rừng, cho thuê rừng, nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật có liên quan.

Thực hiện thẩm quyền về giao rừng, cho thuê rừng; quyết định giá cho thuê rừng và ký hợp đồng thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp huyện trên cơ sở quy định khung giá rừng trên địa bàn tỉnh đã được ban hành; thu hồi quyết định cho thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức triển khai quyết định giao rừng, cho thuê rừng của UBND tỉnh đối với tổ chức trên địa bàn; phối hợp theo dõi, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu, nội dung, tiến độ dự án đầu tư có liên quan đến bảo vệ rừng, phát triển của tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn.

Tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến các sản phẩm động vật đông lạnh

Công văn số 6414/UBND-KGVX ngày 16/12/2022 của UBND tỉnh yêu cầu các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tập trung vào các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, siêu thị, chợ,... nhằm hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các tác nhân gây bệnh thông qua thực phẩm.

Các sở, ban ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm các điều kiện về vệ sinh ATTP đối với kho lạnh bảo quản thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo phân cấp,… xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Hải quan tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, kịp thời nắm tình hình, phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về ATTP, ngăn chặn, xử lý các hành vi kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật đông lạnh nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP bằng nhiều hình thức đến người dân,... đồng thời, phối hợp với các sở, ngành có liên quan công khai các cơ sở đã bị xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh kho lạnh bảo quản thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp,… kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; chủ động triển khai công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống,… thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP theo quy định; đồng thời, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công văn số 5234/UBND-KGVX của UBND tỉnh về “Phương án sẵn sàng ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh”. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định về ATTP; tuyên truyền đến người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm soát vệ sinh ATTP.

Thực hiện các nhiệm vụ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Tại văn bản số 6430/UBND-KTTH, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của tỉnh (67,4%) nghiêm túc chấn chỉnh và khẩn trương tập trung thực hiện các giải pháp, biện pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian còn lại của năm 2022, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường tối đa trong công tác quản lý vốn đầu tư công, thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành, không được để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình lập hồ sơ tạm ứng, hồ sơ thanh toán; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng.

Tập trung phối hợp với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đảm bảo mặt bằng thi công và tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Khẩn trương hoàn tất công tác nghiệm thu, quyết toán đối với các dự án hoàn thành, đang làm hồ sơ, thủ tục quyết toán; trường hợp chậm quyết toán theo thời quan quy định, phải chịu trách nhiệm và xử lý theo quy định.

Tập trung giải ngân kế hoạch vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt mức cao nhất có thể thực hiện.

Chấn chỉnh công tác phối hợp báo cáo với các cơ quan chuyên môn; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định. Chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chậm trễ báo cáo, cung cấp thông tin làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

Kết quả giải ngân năm 2022 sẽ là tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ đối với cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị, địa phương liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch đã đề ra để đảm bảo nguồn thu ngân sách. Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xác định các khoản được khấu trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định. Tổng hợp những địa phương chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất cho các nhà đầu tư, gửi Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành trong năm 2023.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, điều hành công tác thu trên địa bàn, trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thu đối với các khoản thu đạt thấp, kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc phát sinh đến công tác thu ngân sách theo thẩm quyền.

Chịu trách nhiệm và chủ động chỉ đạo xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để kịp thời triển khai tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo thu, nộp tiền sử dụng đất theo đúng tiến độ.

Trường hợp do nguyên nhân chủ quan không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, Tỉnh sẽ không bố trí lại và các địa phương tự chịu trách nhiệm bố trí từ ngân sách cấp huyện để bù vào phần ngân sách tỉnh bị thu hồi.

Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận hồ sơ thanh toán, đảm bảo nhận hồ sơ 24/24; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi; tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thuận lợi trong việc giải ngân thanh toán và hoàn ứng vốn đầu tư trong 02 tháng cuối cùng của niên độ ngân sách.

Sở Xây dựng tiếp tục bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, kịp thời cập nhật, công bố điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh tình trạng gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, cập nhật kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 của các chủ đầu tư đến ngày 31/12/2022 và đến ngày 31/01/2023; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân của tỉnh và kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời gửi danh sách cho Sở Nội vụ.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, các cá nhân có liên quan trong việc chậm trễ, gây ảnh hưởng chung đến kết quả giải ngân của tỉnh.

Hỗ trợ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Đó là nội dung của Công văn số 6460/UBND-KGVX, ngày 20/12/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 11/8/2022 của Chính phủ và Quyết định số 24/2022/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện (bao gồm cấp xã) theo quy định tại Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 11/8/2022 của Chính phủ để thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Trường hợp kinh phí thực hiện vượt quá 50% dự phòng ngân sách cấp huyện, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp gửi Sở Tài chính. Đồng thời, Báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn gửi Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Sở Tài chính chịu trách nhiệm rà soát, tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí thực hiện theo quy định; đồng thời, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, đề nghị xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Trên cơ sở nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện chính sách theo quy định.

Triển khai thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 6490/UBND-TTHC ngày 21/12/2022 yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt, rà soát, tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về nội dung, nhiệm vụ công tác CCHC. Đồng thời, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân doanh nghiệp (Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 của Chính phủ); Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trong Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh (iGate 2.0), đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 09/10/2020 của UBND tỉnh về số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đối với cấp huyện, cấp xã, đảm bảo đạt chỉ tiêu được giao.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp tục thực hiện kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương còn lại, đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC theo Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 11/3/2022 của UBND tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính quyền số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về Chuyển đổi số.

Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ; tổ chức thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, bảo đảm đạt tỷ lệ tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2026 theo Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị.

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác CCHC, công vụ để kịp thời phát hiện và xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ và trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp các nhiệm vụ trên của các cơ quan, đơn vị, địa phương và báo cáo kết quả về UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo.

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm phát luật trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi. Tập trung nghiên cứu, kiểm tra, rà soát để tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền bãi bỏ các quy định pháp luật còn bất cập nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên công khai kết quả đánh giá giải quyết TTHC theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; chủ động, nghiên cứu đề xuất, tham mưu báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo, điều hành đảm bảo thực hiện hiệu quả các số liệu đánh giá đối với các nhóm tiêu chí thành phần được quy định tại Quyết định số 766/QĐ-TTg. Kịp thời tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc (nếu có).

T.T

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này