Truy cập nội dung luôn

Một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 11-15/12/2023

19/12/2023 14:08    194

Chỉ thị về việc tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông vào dịp Tết; Tăng cường phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Quản lý hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn tỉnh; Thực hiện các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024… là một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 11-15/12/2023.

Chỉ thị về việc tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông vào dịp Tết

 

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, các tổ chức Chính trị - Xã hội, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp về bảo đảm ANTT, TTATGT; phối hợp cùng với lực lượng Công an thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT và TTATGT bảo vệ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 15/12/2023 đến ngày 29/02/2024) trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với lực lượng Công an đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với tiếp tục đẩy mạnh phát động phong trào thi đua “Cán bộ, đảng viên 3 gương mẫu, Nhân dân 3 tự giác, doanh nghiệp vận tải và lái xe 3 an toàn” bảo đảm TTATGT, vận động người dân hưởng ứng, tích cực phản ánh, cung cấp thông tin vi phạm về giao thông cho lực lượng Công an; tiếp tục phát huy tổ hòa giải, vai trò của người có uy tín để chủ động phát hiện và giải quyết các xung đột xã hội, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Tập trung tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, nguy hiểm, các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm môi trường, an toàn thực phẩm. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện trên địa bàn tỉnh, lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội đầu xuân 2024.

Siết chặt trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT, xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và những vi phạm của người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Kiên quyết xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT.

Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên trách trong công tác phòng, chống tội phạm; bảo đảm TTATGT; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”. Nâng cao hơn nữa cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan về phòng, chống tội phạm và bảo đảm TTATGT.

Công an tỉnh chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch; phối hợp rà soát và tham mưu giải quyết kịp thời, ổn định các vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, không để trở thành “điểm nóng” về ANTT; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của tỉnh.

Cục Quản lý thị trường tỉnh: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả trên địa bàn tỉnh, nhất là thời điểm tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Sở Giao thông vận tải có phương án bảo đảm năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy trong dịp nghỉ Tết; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc và tăng giá vé trái quy định.

Phối hợp với Công an tỉnh phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các vi phạm về quá tải trọng, quá khổ giới hạn, cơi nới thành, thùng xe... trên các tuyến giao thông thuộc phạm vi quản lý. Tập trung bảo đảm an toàn giao thông tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn; hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa tại các bến xe, nhà ga, bến tàu nhằm đảm bảo cho Nhân dân đi lại thuận lợi, an toàn trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động… Tập trung giải quyết hiệu quả các vấn đề có nguy cơ phát sinh nguyên nhân, điều kiện hình thành tội phạm.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT; tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm. Chú trọng khai thác hiệu quả các phần mềm, ứng dụng trên nền tảng của Đề án 06 của Chính phủ phục vụ quản trị xã hội, quản lý nghiệp vụ, phòng, chống tội phạm. Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các quy định về TTTAGT; chỉ đạo rà soát các điểm hư hỏng, bất cập về tổ chức giao thông, điểm tiềm ẩn, điểm đen về tai nạn giao thông để kịp thời khắc phục, kiến nghị cơ quan chức năng khẩn trương xử lý, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố và Công an các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tấn công, trấn áp các loại tội phạm; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT, góp phần bảo đảm ANTT, TTATGT trên địa bàn quản lý.

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

 

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản 6359/UBND-NC yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương tăng cường phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác PCCC và CNCH. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, siết chặt kỹ luật, kỹ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp về PCCC. Tiếp tục tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC, nhất là đối với loại hình nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở thương mại, ký túc xá, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, kinh doanh dịch cư cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, sửa đổi quy định về PCCC, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm thống nhất, giảm tối đa chi phí không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH trên tinh thần công khai, minh bạch, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong công tác này. Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp về PCCC.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên qua tham gia góp ý dự thảo tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế; dự thảo Luật Cấp, thoát nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể về cấp nước PCCC khi lập quy hoạch, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, đặc khu kinh tế, khu công nghiệp; ưu tiên mọi nguồn nước sử dụng cho PCCC.

UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh phù hợp với thực tiễn địa phương; tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện, nhất là ở cơ sở, không để tình trạng xảy ra vụ việc cháy, nổ mới. Chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng

Quản lý hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 6228/UBND-KGVX chỉ đạo tăng cường công tác quản lý hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động quán triệt, thực hiện kịp thời các quy định, hướng dẫn của Trương ương và nghiêm túc thực hiện các nội dung về các hoạt động, sự kiện thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan, gồm:

Các sự kiện chính trị trọng đại, ngày lễ, kỷ niệm của đất nước và của tỉnh, gồm: Đại hội Đảng các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02), Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (ngày 10/3 Âm lịch); Ngày Giải phóng tỉnh (24/3); Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); Ngày Quốc tế Lao động (01/5); Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7); Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8); Ngày Quốc khánh nước CHXHCNVN (02/9); Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12); Tết Dương lịch, Tết Âm lịch...

Tuyên truyền các chính sách xã hội, các dịch vụ vì lợi ích của xã hội, gồm: Các sự kiện, hội nghị lớn của quốc tế, đất nước diễn ra tại tỉnh và các hoạt động lớn do tỉnh tổ chức; các sự kiện, hội nghị, lễ kỷ niệm... do các bộ, ngành tổ chức tại tỉnh và các hoạt động của các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương; tuyên truyền cổ động trực quan thực hiện nhiệm vụ, chương trình, phong trào của tỉnh và các sở, ngành, địa phương và các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan khác theo quy định của pháp luật.

Hình thức, thời gian tuyên truyền

 Tuyên truyền các sự kiện chính trị trọng đại, ngày lễ, kỷ niệm của đất nước và của tỉnh. Bảng tuyên truyền được xác định vị trí thực hiện phù hợp với Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện nội dung tuyên truyền không quá 12 tháng.

Băng rôn ngang được treo băng qua đường; sử dụng màu sắc nền đỏ, chữ vàng, khoảng cách giữa các băng rôn tối thiểu 200m trên cùng tuyến đường. Thời gian thực hiện nội dung tuyên truyền không quá 15 ngày. Kích thước băng rôn rộng từ 0,6m đến 1,0m, dài từ 6m đến 10m, chiều cao từ mặt đường đến cạnh đáy băng-rôn không nhỏ hơn 3,5m.

 Băng rôn dọc được thực hiện ở dải phân cách, vòng xoay các tuyến đường, sử dụng màu sắc nền đỏ, chữ vàng. Thời gian thực hiện nội dung tuyên truyền không quá 15 ngày. Chiều rộng từ 0,6m - 0,8m, chiều dài từ 1,5m - 2,5m, chiều cao từ mặt đường đến cạnh đáy băng-rôn không lớn hơn 1,4m.

Tuyên truyền các chính sách xã hội, các dịch vụ vì lợi ích của xã hội  Bảng tuyên truyền được xác định vị trí thực hiện phù hợp với Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện nội dung tuyên truyền không quá 12 tháng.

 Băng rôn ngang không được phép treo băng qua đường; không được sử dụng màu sắc nền đỏ, chữ vàng. Thời gian thực hiện nội dung tuyên truyền không quá 15 ngày. Kích thước băng rôn rộng từ 0,6m đến 1,0m, dài từ 6m đến 10m, chiều cao từ mặt đường đến cạnh đáy băng-rôn không nhỏ hơn 3,5m.

 Băng rôn dọc không sử dụng màu sắc nền đỏ, chữ vàng. Thời gian thực hiện nội dung tuyên truyền không quá 15 ngày. Chiều rộng từ 0,6m - 0,8m, chiều dài từ 1,5m - 2,5m, chiều cao từ mặt đường đến cạnh đáy băng-rôn không lớn hơn 1,4m.

 Đoàn người thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan là đoàn người có từ ba người trở lên mặc trang phục hoặc mang theo hình ảnh, vật dụng thể hiện nội dung tuyên truyền cổ động trực quan tại một địa điểm hoặc di chuyển trên đường giao thông. Phải bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn xã hội và các quy định pháp luật khác liên quan.

  Tuyên truyền cổ động trực quan trên phương tiện xe loa phóng thanh do cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể các cấp thực hiện chịu trách nhiệm. Không được vượt quá độ ồn cho phép theo quy định của pháp luật về môi trường.

 Tuyên truyền cổ động trực quan trên màn hình: Việc đặt màn hình tuyên truyền cổ động trực quan phải tuân theo quy định của pháp luật có liên quan và quy hoạch quảng cáo ngoài trời của tỉnh.

 Tất cả các phương tiện tuyên truyền cổ động trực quan phải thể hiện tên, số điện thoại của đơn vị thực hiện; không làm che chắn biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu điều khiển giao thông và tầm nhìn của người tham gia giao thông, đặc biệt là tại các nút giao thông.

 Không sử dụng hình ảnh, biểu tượng Đảng kỳ, Quốc kỳ, Quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; không kết hợp nội dung quảng cáo thương mại trong các nội dung tuyên truyền về Đảng, Nhà nước CHXHCNVN, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngôn ngữ dùng trong tuyên truyền cổ động trực quan là tiếng Việt; trừ những trường hợp từ ngữ đã được quốc tế hóa, tên riêng hoặc từ ngữ không thay thế được bằng tiếng Việt thì được viết nguyên gốc.

Thực hiện các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh

 

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản số 6326/UBND-KTN yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Công điện số 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Tiếp tục tập trung xử lý, giải quyết, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cho các dự án bất động sản, nhất là các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng,... trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Kiên quyết không để tình trạng xử lý lòng vòng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án bất động sản.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung giải quyết, sớm tháo gỡ các vướng mắc, chậm trễ về giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất; xem xét, quyết định giá đất theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

 

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

 Phương án thực hiện

Nhóm mặt hàng bình ổn thị trường là gạo, muối, đường, dầu ăn, bột ngọt, mì tôm, nước mắm, bánh kẹo; thịt gia súc, gia cầm; trứng; rau, củ, quả. Ngoài các mặt hàng trên, doanh nghiệp được phép kinh doanh các loại hàng hóa đảm bảo các điều kiện được phép lưu thông trên thị trường. Tại các cơ sở kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia bình ổn; tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo và khu vực xảy ra khan hàng, sốt giá; thị trường, giá cả có biến động mạnh trên địa bàn tỉnh.

Thời gian thực hiện bình ổn từ ngày 20/01/2024 đến ngày 16/02/2024 (tức ngày 10 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày 07 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Cách thức thực hiện

 Bước 1: Khi xảy ra sự cố khan hàng, tăng giá đột biến trên thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động điều tiết nguồn hàng để bình ổn khu vực, địa phương xảy ra khan hàng theo Kế hoạch của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trường hợp vượt quá khả năng điều tiết của địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời thông báo về Sở Công Thương về mặt hàng khan hiếm, tăng giá đột biến, địa điểm để kịp thời chỉ đạo thực hiện.

 Bước 2: Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Công Thương có trách nhiệm khẩn trương làm việc với các đơn vị cung cấp hàng hóa, kịp thời tổ chức điều chuyển hàng hóa đến các khu vực xảy ra sự cố khan hàng, tăng giá đột biến, thị trường, giá cả có biến động mạnh.

 Bước 3: Các đơn vị cung cấp hàng hóa, tổ chức huy động, điều chuyển hàng hóa đến địa điểm bán hàng theo yêu cầu của Sở Công Thương để tổ chức bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, bình ổn thị trường.

 Bước 4: Sau khi kết thúc đợt bán hàng, các đơn vị tham gia điều chuyển hàng hóa, tổ chức bán hàng, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương để theo dõi, chỉ đạo.

Tổ chức thực hiện

 Sở Công Thương là cơ quan thường trực, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa để chủ động có phương án điều tiết hoặc đề xuất với cơ quan chức năng biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

 Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ, có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng, đo lường xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu để kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng các phương thức mới (trực tuyến, sàn thương mại điện tử ...) để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết.

 Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” , Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phối hợp cung cấp thông tin cho Sở Công Thương về nguồn cung, giá cả các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh; phối hợp Sở Công Thương biện pháp điều chuyển nguồn hàng thịt gia súc, gia cầm khi xảy ra khan hàng, tăng giá đột biến .

Hướng dẫn các trang trại, các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm; tích cực sản xuất, cung ứng các mặt hàng thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả an toàn phục vụ Tết. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, rau, củ, quả đưa vào lưu thông.

Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn; công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường ở các địa bàn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi.

 Phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu cho Sở Công Thương để tổng hợp dự báo cung cầu, kịp thời tham mưu, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương. Khi xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ đối với các mặt hàng tham gia bình ổn, kịp thời thông báo về UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) để chỉ đạo thực hiện, kịp thời điều tiết ổn định thị trường.

 UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 phù hợp với yêu cầu, khả năng của địa phương; trong đó theo dõi dự báo tình hình cung - cầu hàng hóa, xây dựng kế hoạch đảm bảo phù hợp thực tiễn, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cung cấp hàng hóa thực hiện việc điều chuyển hàng hóa, tổ chức bán hàng bình ổn đúng chủng loại, số lượng, địa điểm theo yêu cầu; chú trọng việc xây dựng Kế hoạch cung ứng thị trường đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ bị chia cắt do thiên tai,...

Doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường chủ động chuẩn bị nguồn hàng để kịp thời tham gia bán hàng, cung ứng hàng hóa khi có yêu cầu của Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố; được bán hàng và thu lợi nhuận với mức giá bình ổn (bằng hoặc thấp hơn so với giá thị trường).

Tăng cường các kênh bán hàng trực tuyến: Hotline, Zalo, Facebook,... để phục vụ người dân mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Khuyến khích thực hiện các hoạt động, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo, các khu công nghiệp; các chương trình khuyến mại giảm giá, kích cầu tiêu dùng,...

BTV

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này