Truy cập nội dung luôn

Một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 10-14/4/2023

14/04/2023 16:39    227

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu hồi tạm ứng vốn đầu tư XDCB từ nguồn NSNN; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; triển khai việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khẩn trương rà soát lại các nhiệm vụ, kinh phí thực hiện chuyển đổi số… là một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 10-14/4/2023.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu hồi tạm ứng vốn đầu tư XDCB từ nguồn NSNN

Để thực hiện nghiêm túc việc thu hồi nợ tạm ứng vốn đầu tư từ nguồn vốn NSNN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với nợ tạm ứng vốn quá hạn, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản số 1501/UBND-KTTH yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và Kho bạc Nhà nước các cấp tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc thu hồi tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, các văn bản quy định của Nhà nước có liên quan.

Đối với nhóm dự án do đơn vị quản lý dự án giải thể hoặc chưa xác định cụ thể chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Kho bạc nhà nước Quảng Ngãi rà soát đối với các giao dịch của Công ty thanh niên Xung Phong hiện nay tại Kho bạc nhà nước Quảng Ngãi; trên cơ sở đó, đề nghị Công ty khẩn trương lập thủ tục hoàn ứng dứt điểm trước ngày 30/10/2023.

Đồng thời, khẩn trương rà soát hồ sơ, chứng từ đã thanh toán tạm ứng cho các dự án: Nuôi tôm trên cát xã Bình Phú; Năng lượng nông thôn VN Trà Bồng (hạng mục bồi thường giải phóng mặt bằng) và Đường Trà Bồng - Trà Phong (giai đoạn 2) để xác định chủ đầu tư hoặc cơ quan quản lý trực tiếp quản lý dự án; trên cơ sở đó, xác định rõ nguyên nhân số nợ tạm ứng để có biện pháp thu hồi dứt điểm số dư nợ tạm ứng trước ngày 30/10/2023.

Đối với nhóm dự án do nhà thầu phá sản, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ và thị xã Đức Phổ chủ động làm việc với cơ quan Thi hành án để có biện pháp thu hồi nợ theo quy định của pháp luật, đảm bảo xử lý dứt điểm trước ngày 30/10/2023. Trong quá trình thực hiện, trường hợp gặp vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh để có ý kiến chỉ đạo cho từng trường hợp cụ thể.

Đối với nhóm dự án do đình hoãn, xin dừng thực hiện, xin điều chỉnh, yêu cầu Sở Y tế; Ban Quản lý dự án ĐTXD các công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh; UBND huyện Lý Sơn khẩn trương rà soát hồ sơ để trình cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh dự án hoặc quyết định dừng thực hiện dự án; thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2023. Trường hợp được phép điều chỉnh dự án thì có trách nhiệm thu hồi vốn tạm ứng quá hạn trước ngày 30/10/2023.  

Đối với trường hợp nợ tạm ứng quá hạn về bồi thường, giải phóng mặt bằng, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục rà soát, xác định chính xác số kinh phí chi trả trong trường hợp người đã có Quyết định thu hồi đất, nhưng chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phối hợp chặt chẽ với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân để tiếp tục thực hiện chi trả tiền bồi thường. Đối với kinh phí tạm ứng quá hạn còn lại, yêu cầu các tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường chuyển về tài khoản của Chủ đầu tư để Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi trích tài khoản của đơn vị thu hồi vốn tạm ứng quá hạn nộp NSNN theo quy định; hoàn thành trước ngày 30/10/2023.

Đối với trường hợp nợ tạm ứng quá hạn về xây lắp và tư vấn vì vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động phối hợp với Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi thu hồi vốn tạm ứng đúng quy định; hoàn thành trước ngày 30/10/2023.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý đối với chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, sau ngày 10/4/2023, ngoài danh mục dự án nợ tạm ứng quá hạn kèm theo văn bản này, tuyệt đối không để phát sinh nợ tạm ứng quá hạn; trường hợp để phát sinh dư nợ tạm ứng quá hạn thì chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và quy định hiện hành của Nhà nước.

Ngoài ra, yêu cầu Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi thực hiện chế độ báo cáo định kỳ đúng thời gian quy định và báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện thu hồi tạm ứng quá hạn các dự án trước ngày 10/11/2023.

Trên cơ sở số liệu báo cáo, đề xuất của Kho bạc nhà nước Quảng Ngãi và các chủ đầu tư về tình hình tạm ứng và nợ tạm ứng quá hạn, giao Sở Tài chính chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời các nội dung về thu hồi nợ tạm ứng quá hạn theo quy định; hoàn thành trước ngày 20/11/2023.

Ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

 UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ và Kế hoạch số 152-KH/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt bình quân 4 -5%/năm; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp khoảng 48 - 50%; giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha đất canh tác nông nghiệp 100 triệu đồng.

Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7,0 đến 8,0%/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 37%.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt hơn 3%; thành lập mới 30 - 40 hợp tác xã, 01 liên hiệp hợp tác xã; trên 70 HTX hoạt động có hiệu quả; trên 5% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; trên 15% hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.

75% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 52%.

Phấn đấu đến năm 2025, có 120 đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 07 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trên 65% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nông thôn được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa lượng chất thải hữu cơ để tái sử dụng, tái chế, làm phân compost hoặc tự xử lý tại hộ gia đình thành phân compost để sử dụng tại chỗ.

Thu nhập bình quân của người dân hơn 48 triệu đồng/người/năm đối với các xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu và hơn 53 triệu đồng/người/năm đối với khu vực nông thôn.

Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản bình quân khoảng 4%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân trên 5%/năm; 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.

Trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 60% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 30% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao;...

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng sở, ngành có liên quan như đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân; tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị,…

Sở Kế hoạch và Đầu tư huy động mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 02 lần giai đoạn 2011 - 2020.

Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thành lập các vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Sở Công Thương tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để nghiên cứu đề xuất về việc xác định chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp;…

Triển khai việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản giao UBND các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Nghĩa Hành khẩn trương rà soát, bổ sung, phê duyệt danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các kế hoạch, dự án liên kết sản xuất tre lấy măng và các sản phẩm từ tre; liên kết sản xuất trồng sả chanh và chăn nuôi bò thảo dược,... trong đó ưu tiên các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã được các nhà đầu tư quan tâm, khảo sát và đăng ký với UBND các huyện, gửi về Ban Dân tộc tỉnh trước ngày 15/4/2023 để tổng hợp.

Đồng thời, chủ động tổ chức triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo đúng quy định của Chương trình.

Đối với nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND các xã hướng dẫn, lựa chọn các nội dung hỗ trợ phù hợp với các dự án hỗ trợ theo chuỗi giá trị định hướng đã phê duyệt để tạo thành vùng sản xuất rộng lớn; đối với các địa phương không thể hỗ trợ phù hợp với chuỗi giá trị định hướng đã phê duyệt thì lựa chọn nội dung hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để làm cơ sở hình thành các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về cách thức tổ chức thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình.

Tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh chuẩn bị các nội dung tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 03/3/2023 của UBND tỉnh; nhất là việc chuẩn bị nội dung ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị liên kết triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở ngành và UBND các huyện và soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung danh mục định mức kỹ thuật một số cây trồng, vật nuôi, vật tư áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (kèm theo Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 06/4/2022 của UBND tỉnh) được phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo quy định.

Đồng thời, làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức thường xuyên theo dõi, giúp địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình; tổng hợp danh mục định hướng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đã được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành Kế hoạch thực hiện Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị của Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bảo DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2025.

Khẩn trương rà soát lại các nhiệm vụ, kinh phí thực hiện chuyển đổi số

Để đảm bảo việc phân bổ, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2023 sát với yêu cầu thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian đến, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản số 1502/UBND-KGVX yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, thẩm tra lại đối với từng nhiệm vụ và mức kinh phí thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong đó, nghiên cứu, làm rõ việc có nên mua sắm tập trung các phần mềm đảm bảo an toàn thông tin và chỉnh lý, số hóa tài liệu lưu trữ,... để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và tiết kiệm, thay vì giao kinh phí để từng cơ quan, địa phương thực hiện. Không để xảy ra tình trạng trùng lắp trong việc bố trí kinh phí và các nhiệm vụ đã thực hiện, cũng như tính hiệu quả thấp của phần mềm và thiết bị khi được trang bị. Đồng thời, làm rõ về tính cần thiết của việc đầu tư Hệ thống hội nghị trực tuyến tại các sở, ngành.

Đối với một số nhiệm vụ xây dựng và triển khai phần mềm đặc thù của các sở, ngành, yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông làm rõ các nội dung phần mềm đề xuất đã có các nền tảng số dùng chung của Bộ, ngành hay chưa để tránh trình trạng đầu tư rồi sau đó không sử dụng, gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Sở Thông tin và Truyền thông chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với nội dung thẩm tra và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định.

BBT

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này