Truy cập nội dung luôn

Một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các PCT UBND tỉnh từ ngày 18-23/3/2024

26/03/2024 18:27    165

Một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; Triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024; Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn; Thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2027”; Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn; Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi… là một số nội dung trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các PCT UBND tỉnh từ ngày 18-23/3/2024

Một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền vừa ký Công văn số 1415/UBND-KTN chỉ đạo về một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Phó Chủ tịch yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 6481/UBND-KTN ngày 20/12/2023 về việc tăng cường ngăn chặn, nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và Công văn số 761/UBND-KTN ngày 07/02/2024 về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, thủy sản, tôm nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo các phòng, ban đơn vị có liên quan hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất trong điều kiện có thể; tiến hành chọn lọc để loại thải ngay những con giống kém chất lượng hoặc không đủ tiêu chuẩn làm giống để chọn lọc đàn giống có chất lượng tốt phục vụ sản xuất.

Chỉ đạo tăng đàn, tái đàn hợp lý, những vùng không có dịch, vùng có nguy cơ thấp, đảm bảo đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học; khuyến cáo tăng đàn, tái đàn tại các trang trại, nông hộ an toàn dịch bệnh, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại văc xin cho đàn vật nuôi; tuyên truyền, khuyến cáo các cơ sở sản xuất thức ăn, các đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh điều chỉnh giá bán phù hợp trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi vượt qua khó khăn trước mắt.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, khuyến khích cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình chăn nuôi VietGAP để phòng, chống dịch bệnh, phát triển chăn nuôi mang tính bền vững, thực hiện khai báo, cung cấp dữ liệu chăn nuôi theo đúng quy định.

Xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, thu mua, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp và tổ chức liên kết trong sản xuất của các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Rà soát thực trạng tình hình chăn nuôi tại địa phương để tổng hợp; xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân quá trình chăn nuôi cần cẩn thận, tính toán kỹ, nhất là khâu chọn giống và bám sát vào định hướng quy hoạch chăn nuôi của tỉnh.

Triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024

UBND tỉnh  vừa ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Nhằm tăng cường sự chỉ đạo, quản lý, thực hiện của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 được phát động với chủ đề: “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Thời gian triển khai từ ngày 01/5/2024 đến ngày 31/5/2024 trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, triển khai các hoạt động của Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 đạt hiệu quả, thiết thực.

 Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động triển khai, hưởng ứng Tháng hành động và thực hiện các nội dung chủ yếu về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền các nội dung, hoạt động về Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 11/2024/QĐ-UBND Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng thay thế Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 của UBND tỉnh Quảng Ngãi và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/3/2024.

Theo quy chế, việc tuyển dụng công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP và Điều 3 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, tiêu chuẩn chức danh, số lượng công chức cấp xã được cấp có thẩm quyền giao, UBND cấp xã đăng ký nhu cầu, chỉ tiêu tuyển dụng đối với từng chức danh công chức cấp xã. Trên cơ sở nhu cầu đăng ký tuyển dụng của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành kế hoạch tuyển dụng công chức cấp xã để làm căn cứ tuyển dụng.

Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP và Điều 4 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối tượng và điểm ưu tiên trong tuyển dụng công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP và Điều 5 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP và Điều 7 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Hình thức, nội dung, thời gian thi tuyển công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, Điều 8 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP và Điều 12 Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Đối tượng xét tuyển công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 13 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP và Điều 10 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nội dung, hình thức xét tuyển và xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 13 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, Điều 11 và Điều 12 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối tượng tiếp nhận vào công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận; hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận và Hội đồng kiểm tra, sát hạch khi tiếp nhận vào làm công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2027”

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021 - 2027” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2024.

Tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để tham mưu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác vận động quần chúng thuộc phạm vi của Đề án

Đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, thời điểm, địa bàn, lĩnh vực. Lựa chọn, áp dụng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng thời điểm, địa bàn, lĩnh vực; tăng cường các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp; tư vấn, giải đáp pháp luật; thi tìm hiểu pháp luật; lồng ghép các hình thức sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; các hình thức thông qua phương tiện thông tin đại chúng và ứng dụng công nghệ thông tin; biên soạn, cấp phát tài liệu thiết yếu với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu…

Tăng cường chỉ đạo, tổ chức điểm việc giáo dục, tư vấn pháp luật cá biệt cho những đối tượng đặc thù như: trẻ em, thanh thiếu niên lang thang cơ nhỡ, người lao động trong các doanh nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo.

 Xây dựng, học tập và nhân rộng các mô hình điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề ánTổ chức nghiên cứu, đề xuất thí điểm áp dụng mô hình điểm tại các đơn vị, cơ sở, địa phương còn nhiều khó khăn, bất cập trong phổ biến, giáo dục pháp luật để tập trung tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới. Trao đổi, học tập kinh nghiệm, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng của Đề án.

Tổ chức biên soạn, in, cấp phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho các đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật của Đề án

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng trên thiết bị di động. Xây dựng, nâng cao chất lượng các chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường lồng ghép nội dung pháp luật trong các chương trình giải trí trên sóng phát thanh, truyền hình; tổ chức các đợt cao điểm phổ biến, truyền thông về lĩnh vực pháp luật quan trọng, được xã hội quan tâm. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức

Bảo đảm các nguồn lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Đề án. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở. Rà soát và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nhất là cán bộ, chiến sĩ Công an tại địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự… Tổ chức các hội thi báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi trong lực lượng Công an cơ sở làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Rà soát nhu cầu về trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ thực hiện Đề án và trang bị theo yêu cầu thực tế của từng cơ sở, địa phương, bảo đảm đầu tư có trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả.

Tăng cường thực hiện chính sách huy động các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Tích cực huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia, hỗ trợ thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các chương trình phổ biến, tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý, tư vấn, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, cung cấp tài liệu, trang thiết bị… theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, địa phương. Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ở cơ sở

Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

 Ngày 18/03/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 14/2024/QĐ-UBND Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Quy định gồm có 3 Chương, 11 Điều quy định một số nội dung về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy định của UBND tỉnh về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; quản lý chất thải rắn sinh hoạt của cơ quan, tổ chức, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, phân loại, lưu giữ, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường thực hiện theo quy định tại Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường. Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với việc lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường thực hiện theo quy định tại Điều 33 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và mẫu biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường thực hiện theo quy định tại Điều 34 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

Tuyến đường, thời gian hoạt động của phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường thực hiện theo Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 14/02/2023 của UBND tỉnh.

Ngoài ra, bùn thải phát sinh từ bể tự hoại, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại quy định này.

Về quản lý chất thải nguy hại, khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải nguy hại được thực hiện theo quy định tại Điều 83 Luật Bảo vệ môi trường. Việc khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại và mẫu chứng từ chất thải nguy hại thực hiện theo quy định tại Điều 35 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 71 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Chủ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 72 và Điều 130 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Nghiêm cấm các hành vi chuyển giao, đổ thải chất thải nguy hại vào các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Tuyến đường, thời gian hoạt động của phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại thực hiện theo Quyết định số 07/2023/QĐ-UBND ngày 14/02/2023 của UBND tỉnh.

Về quản lý chất thải công nghiệp phải được kiểm soát, việc phân định chất thải công nghiệp phải kiểm soát là chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ngưỡng chất thải nguy hại. Trường hợp chất thải công nghiệp phải kiểm soát chưa được phân định thì được quản lý như chất thải nguy hại. Chất thải rắn công nghiệp phải kiểm soát được phân loại theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

Về quản lý nước thải, việc quản lý nước thải phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 57 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Đối với hoạt động thoát nước và xử lý nước thải thực hiện theo Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2016 của UBND tỉnh và Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2021 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2016. 

BTV

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này