Truy cập nội dung luôn

Hội LHPN tỉnh tích cực triển khai dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” tại Quảng Ngãi

26/12/2023 16:23    216

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 với 10 dự án thành phần. Trong đó, dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em", nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Tại Quảng Ngãi, Dự án 8 được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Na- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xoay quanh vấn đề này.

PV: Xin đồng chí cho biết đôi nét về việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn tỉnh?

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lê Na: Triển khai Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động của Dự án theo đúng các văn bản hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và của tỉnh, với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án, Hội đã triển khai ở 40 thôn của 06 huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long, Nghĩa Hành, tập trung vào đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn Hội LHPN các huyện tham mưu UBND cùng cấp ban hành kế hoạch giai đoạn, kế hoạch năm phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn ngân sách được giao đảm bảo đúng theo sự hướng dẫn, định hướng của Trung ương Hội. Tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện bình đẳng giới trên nền tảng số thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

PV: Việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn tỉnh đến nay đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa đồng chí?

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lê Na: Trong 4 nội dung chính của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội LHPN tỉnh tập trung thực hiện đạt kết quả những nội dung trọng tâm, đó là: Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới. Qua đó, thành lập được 119 Tổ truyền thông cộng đồng với 1.155 thành viên; hỗ trợ trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác truyền thông và truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, kết nối hoạt động của các Tổ truyền thông (ứng dụng zalo/facebook trong công tác truyền thông chia sẻ, cập nhật thông tin…); tổ chức 18 hội nghị hướng dẫn thành lập và vận hành quản lý Tổ truyền thông trên nền tảng số zalo, facebook… cho 1.031 người tham gia; 59 hội nghị, tập huấn, truyền thông với 4.455 người tham dự về nội dung tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, thúc đẩy bình đẳng giới; triển khai 04 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em; tổ chức các hoạt động củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” hỗ trợ bảo vệ phụ nữ trẻ em là nạn nhân bạo lực gia đình; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS; hướng dẫn đối thoại chính sách và giám sát, đánh giá về bình đẳng giới; hướng dẫn, thành lập và kỹ năng vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”,...

Bên cạnh đó, tổ chức 04 cuộc đối thoại chính sách với hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 200 hội viên, phụ nữ tham dự tại 04 xã điểm thuộc 03 huyện của tỉnh (Sơn Thượng, Sơn Trung (Sơn Hà), Ba Dinh (Ba Tơ) và Sơn Tân (Sơn Tây). Qua đối thoại lãnh đạo chính quyền địa phương và công chức phụ trách các lĩnh vực đã giải đáp đầy đủ, kịp thời những băn khoăn, trăn trở của bà con. Nhiều câu hỏi thắc mắc đã được cán bộ tận tình hướng dẫn quy trình, thủ tục, quy định cụ thể để bà con chủ động thực hiện, góp phần nâng cao kiến thức cho hội viên đồng bào DTTS tại các xã Dự án 8.

Cùng với đó, Hội đã tổ chức Hội thi “Tìm kiếm các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em” năm 2023, với sự tham gia của 6 đội thi đến từ Hội LHPN 6 huyện thuộc Dự án 8. Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao 11 giải cho các huyện. Bên cạnh đó, thành lập Đội thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình (gồm 06 thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ) tham gia Hội thi do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại thành phố Huế.

Tổ chức Hội thảo hoàn thiện khung logic, góp ý bộ công cụ khảo sát và tổ chức khảo sát đầu kỳ, tìm hiểu thực tế của đối tượng hưởng lợi và thực trạng phụ nữ sinh con tại nhà cho 446 người (phụ nữ, nam giới dân tộc thiểu số; cán bộ địa phương, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, khảo sát trẻ em dân tộc thiểu số, phỏng vấn sâu phụ nữ, nam giới, trẻ em DTTS, cán bộ chính quyền, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng) của 15 thôn/5 xã (tại huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ).

Xây dựng 03 Chương trình truyền thông các hoạt động Dự án 8 và phát sóng trên Đài phát thanh Truyền hình Quảng Ngãi, Trang Thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh, zalo, facebook, fanpage…

Hỗ trợ xây dựng 03 mô hình cho Tổ/Nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (1 Hợp tác xã, 01 Tổ hợp tác, 01 Tổ liên kết) tại xã Ba Trang - Ba Tơ, xã Sơn Long - Sơn Tây, xã Hương Trà - Trà Bồng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu trên môi trường mạng và truy xuất nguồn gốc cho 03 mô hình sinh kế do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ, năm 2023; xây dựng gian hàng trên Sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee cho 03 mô hình sinh kế do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ, năm 2023. Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, sử dụng các Trang thương mại điện tử, website, tiktok, facebook và các gia hàng thương mại điện tử Lazada, Shopee cho 03 Tổ/Nhóm sinh kế.

Ngoài ra, Hội cũng đã tổ chức Cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN” cấp tỉnh, Ban Tổ chức Cuộc thi nhận được 91 tác phẩm dự thi, gồm 69 tranh vẽ, 22 video clip với các chủ đề phong phú, đa dạng, thể hiện ước mơ của trẻ em về gia đình hạnh phúc, không bạo lực, bình đẳng giới.

PV: Trong quá trình thực hiện Dự án 8, các cấp Hội có gặp khó khăn gì không?

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lê Na: Là một tỉnh còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức chưa đồng đều, đồng bào dân tộc thiểu số còn bị ảnh hưởng nhiều hủ tục lạc hậu, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nạn nhân của những vụ bạo lực gia đình, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn xảy ra,… Nên quá trình truyền thông để nâng cao nhận thức cho đồng bào còn khó khăn. Từ thực tế đó, Hội xác định chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, trong đó lực lượng nòng cốt là người có uy tín; đồng thời chọn phụ nữ, trẻ em trong cộng đồng tham gia là những người đi đầu trong thay đổi những nếp nghĩ, cách làm, dần xóa bỏ những hủ tục, văn hóa lạc hậu.

Lần đầu tiên, Hội LHPN các cấp chủ trì thực hiện dự án 8. Thời gian triển khai gấp rút nên các cấp Hội còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong quá trình tham mưu cho UBND cùng cấp các kế hoạch, dự toán thực hiện Dự án cũng như tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn có một số nội dung chưa cụ thể, rõ ràng khó khăn cho việc triển khai thực hiện Dự án tại cơ sở.

PV: Trong thời gian tới Hội tập trung thực hiện những nội dung, hoạt động nào, thưa đồng chí?

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lê Na: Hội tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp có hiệu quả công tác lồng ghép giới trong xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, tập trung vào chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS.

Cùng với các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động của 3 Chương trình MTQG; đặc biệt là Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” cho giai đoạn tiếp theo.

Chủ động và thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; kịp thời phối hợp phát hiện, ngăn chặn và giải quyết những vụ việc và các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em đặc biệt ở vùng DTTS & MN.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân tộc và kiến thức về giới, lồng ghép giới; tập huấn nâng cao năng lực trong công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp mặt, biểu dương, khen thưởng người có uy tín, các điển hình phụ nữ, trẻ em DTTS tiêu biểu nhằm tôn vinh, ghi nhận những thành tích, đóng góp và lan tỏa tinh thần nỗ lực, ý chí phấn đấu vươn lên.

Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo và đôn đốc Hội LHPN các huyện triển khai thực hiện các nội dung của Dự án và xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024 tại địa phương.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

T.D (thực hiện)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này