Truy cập nội dung luôn

Tổng hợp một số nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh nổi bật trong tuần (từ ngày 27/9-01/10/2021)

01/10/2021 15:53    4792

Thay đổi các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa khi có ca F0 trong cộng đồng; áp dụng biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “Bình thường mới” trên phạm vi toàn tỉnh; rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; triển khai thực hiện Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện…là những thông tin chỉ đạo của UBND tỉnh nổi bật trong tuần (từ ngày 27/9-01/10/2021).

Thay đổi các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa khi có ca F0 trong cộng đồng

UBND tỉnh vừa ra Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá tình hình diễn biễn dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm soát được dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo các tiêu chí và mức độ nguy cơ được quy định tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; theo đó tỷ lệ và mức độ xác định như sau: đối với cấp xã: nguy cơ rất cao 1/173; nguy cơ cao 13/173; nguy cơ 7/173; bình thường mới 152/173. Đối với cấp huyện: nguy cơ rất cao 0/13; nguy cơ cao 1/13; nguy cơ 02/13; bình thường mới 10/13. Đối với tỉnh: theo mức nguy cơ (mức độ 1), do số F0 xác định được nguồn lây trong 14 ngày vượt tỉ lệ 1/100.000 người.

Về hoạt động của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19: Mặc dù các thành viên của Trung tâm Chỉ huy thực hiện công tác kiêm nhiệm nhưng kể từ khi được thành lập đến nay tất cả các thành viên đều nỗ lực, cố gắng làm việc rất tích cực nên đã đóng góp quan trọng vào kết quả công tác phòng, chống dịch của tỉnh, nhất là các thành viên có liên quan trực tiếp như: Y tế, Công an, Quân sự, Biên phòng…

Trong thời gian qua, mặc dù điều kiện ngân sách tỉnh có nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã ưu tiên tập trung, đáp ứng kịp thời, hiệu quả các yêu cầu nguồn lực về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Dưới sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương đã triển khai tổ chức đón công dân từ vùng dịch về địa phương; đặc biệt là đón phụ nữ đang mang thai từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai về quê đảm bảo an toàn, chu đáo; được dư luận xã hội đánh giá cao, thể hiện trách nhiệm và tính nhân văn sâu sắc của chính quyền đối với người dân.

Để có được kết quả nêu trên là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu, cộng đồng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay tình hình dịch bệnh trong cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã có sự thay đổi, vì vậy công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch của tỉnh cũng phải thay đổi theo cho phù hợp, nhất là cần quán triệt và triển khai thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "Đạt "zero Covid" sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vắc-xin đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể”; theo đó:

Tinh thần phòng, chống dịch trong thời gian đến phải thay đổi theo định hướng mới của Trung ương và diễn biến thực tế tình hình dịch của tỉnh, phải chấp nhận sống chung an toàn với Covid-19, từ chỗ quyết tâm chặn đứng dịch bệnh Covid-19 với mong muốn không có ca nhiễm nào trong cộng đồng, thì phải chấp nhận có phát sinh F0 trong cộng đồng nhưng ở mức độ ít nhất có thể để kiểm soát, khống chế, quản lý hiệu quả nhằm phục vụ tốt cho mục tiêu mở cửa phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Thay đổi các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa khi có ca F0 trong cộng đồng theo nguyên tắc khoanh vùng rộng nhưng phong tỏa ở mức độ hẹp nhất có thể để có nguồn lực kiểm soát, xét nghiệm và tổ chức cách ly, điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Về áp dụng các biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến theo hướng quy định các biện pháp nới lỏng hơn; sát với tình hình thực tế của tỉnh theo lộ trình phù hợp; đảm bảo kiểm soát tốt tình hình dịch, nhưng tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Những người dân đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày: Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế phổ biến, hướng dẫn việc di chuyển, lưu thông đi lại theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 458/TB-UBND ngày 20/9/2021 về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Tất cả người dân ở vùng dịch về Quảng Ngãi đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính thực hiện quy định về cách ly y tế theo nội dung tại Công văn số 4992/UBND-KGVX ngày 25/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Trước thực tế việc cách ly y tế tại nhà sau khi đã hoàn thành việc cách ly y tế tập trung phát sinh nhiều ca dương tính (F0) trong thời gian cách ly tại nhà, nên UBND tỉnh thống nhất tăng thời gian cách ly y tế tập trung đối với các trường hợp F1 từ 14 ngày lên 21 ngày trên địa bàn toàn tỉnh (áp dụng ngay đối với F1 còn đang thực hiện cách ly) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào sáng ngày 25/9/2021.

Sở Y tế căn cứ hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Y tế, khẩn trương hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan đối với việc xác nhận cơ sở đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện việc cách ly y tế tại nhà; đồng thời, những nội dung nào chưa có quy định của Bộ Y tế thì chủ động phối hợp với Công an tỉnh để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.

Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao tại Thông báo số 471/TB-UBND ngày 27/9/2021 về tăng cường trang bị Hệ thống Oxy y tế để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 và các bệnh khác trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khẩn trương thống kê, tổng hợp nhu cầu kinh phí để hỗ trợ cho Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; tiền ăn cho các trường hợp F0 đang điều trị tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh và các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4720/UBND-KGVX ngày 14/9/2021, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) để tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh, khắc phục việc tồn đọng rác thải y tế tại các khu phong tỏa, khu cách ly, tại các chốt kiểm tra y tế trên địa bàn. Nếu địa phương nào để rác thải y tế gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền chỉ đạo, kiểm tra xử lý.

Về các khu cách ly y tế tập trung, các địa phương chủ động rà soát các cơ sở có đủ điều kiện để làm các khu cách ly tập trung phục vụ lâu dài trên đia bàn; ít nhất mỗi địa phương phải có 01 khu cách ly đảm bảo điều kiện để hoạt động.

Đối với hoạt động của các cảng cá, bến cá: Tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4720/UBND-KGVX ngày 14/9/2021; trong đó, đối với các cảng neo đậu, lưu trú tàu thuyền được hoạt động bình thường để tránh trú bão cho ngư dân trong tỉnh, ngoài tỉnh, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

Căn cứ vào diễn biến tình hình dịch hiện nay, giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét cân nhắc kỹ trước khi quyết định cho học sinh thuộc quyền quản lý học trực tiếp thay học trực tuyến nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch Covid-19.

Áp dụng biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “Bình thường mới” trên phạm vi toàn tỉnh

Căn cứ tình hình thực tế hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, để ổn định tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Tiếp tục phong tỏa đối với các địa bàn có dịch

Theo đó, tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cao nhất theo Quyết định số 3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế và thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế tuyệt đối địa bàn, địa điểm phong tỏa (địa bàn xã Nghĩa An thuộc thành phố Quảng Ngãi và các địa điểm do Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định khi có ca F0). Cụ thể:

Đối với người dân, tuyệt đối không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”, thực hiện “nhà cách ly với nhà”, trừ các trường hợp hợp khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn; cấp cứu, khám, chữa bệnh, xét nghiệm SARS-CoV-2; tiêm ngừa Covid-19 (trong địa bàn, địa điểm phong tỏa); người đi cách ly, điều trị và hoàn thành cách ly, điều trị, xuất viện. Các trường hợp nêu trên khi ra khỏi nhà phải đảm bảo giấy tờ chứng minh đủ điều kiện lưu thông, kèm theo giấy tờ tùy thân; thực hiện nguyên tắc 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo y tế).

Ban Chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng phòng, chống dịch các cấp; lực lượng thực hiện vệ sinh môi trường, đô thị; xử lý sự cố điện, cấp thoát nước, hệ thống thông tin, hạ tầng kỹ thuật, viễn thông, bưu chính; tác nghiệp báo chí được phép hoạt động trong khu vực phong tỏa nhưng phải bảo đảm thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ:  Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu (trong thời gian tạm dừng, người đứng đầu cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải bố trí người trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống cháy, nổ tại cơ sở).

Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động nhưng chỉ phục vụ trực tuyến, giao hàng tận nơi thông qua sự hỗ trợ của lực lượng phòng, chống dịch tại chỗ của địa phương.

Đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng: Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất phải có kế hoạch, cam kết phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ), được xem là một điểm cách ly tập trung và do cấp có thẩm quyền quyết định.

Dừng hoạt động thi công xây dựng, trừ công trình trọng điểm, khẩn cấp do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Quá trình hoạt động, chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công phải bảo đảm “3 tại chỗ” cho người lao động và cam kết thực hiện an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Dừng hoạt động giao thông vận tải, trừ các trường hợp: Phục vụ cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu thiết yếu, các yêu cầu phòng, chống dịch; cấp cứu, khám chữa bệnh; các trường hợp khẩn cấp, như: Thiên tai, hỏa hoạn; các tuyến đường giao thông huyết mạch ngang qua vùng phong tỏa, như: Quốc lộ, tỉnh lộ nhưng chỉ được phép đi qua, không dừng, đỗ đón trả khách, giao nhận hàng hóa (nếu dừng, đỗ giao nhận hàng, đón trả khách phải cam kết rõ địa điểm, thời gian để phục vụ quản lý, kiểm tra, giám sát y tế).

Toàn tỉnh áp dụng biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “Bình thường mới”

 Áp dụng biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “Bình thường mới” có bổ sung một số giải pháp nâng cao trên địa bàn toàn tỉnh, trừ các địa bàn, địa điểm bị phong tỏa, cụ thể:

- Đối với cá nhân: Bắt buộc thực hiện nguyên tắc 5K (Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung đông người quá số lượng cho phép và khai báo y tế điện tử thông qua phần mềm ứng dụng VNEID, Bluezone, sổ sức khỏe điện tử. Trường hợp không khai báo y tế điện tử thì phải khai báo y tế bằng giấy).

Đám hiếu, đám hỉ được tổ chức không quá 30 người.

Không tập trung trên 20 người ngoài phạm vi công sở, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế tại một địa điểm trong cùng thời điểm đối với không gian ngoài trời.

Không ra khỏi nhà từ 21 giờ 00 phút ngày hôm trước đến 04 giờ 00 phút ngày hôm sau, trừ các trường hợp:

Cấp cứu, thiên tai, hỏa hoạn, thi hành công vụ, tác nghiệp báo chí, bưu chính, viễn thông; công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; phương tiện đưa đón người lao động và người lao động đi/về làm việc tại các cơ quan, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; phương tiện chuyên chở nông, lâm, thủy sản, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa; hoặc theo yêu cầu công tác phòng, chống dịch.

Các trường hợp nêu trên khi ra khỏi nhà người dân phải đảm bảo giấy tờ chứng minh đủ điều kiện lưu thông, kèm theo giấy tờ tùy thân; thực hiện nguyên tắc 5K; di chuyển theo nguyên tắc “1 cung đường, 2 điểm đi/đến và ngược lại”.

- Đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, dịch vụ: Bắt buộc phải xây dựng, triển khai phương án phòng, chống dịch theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng do hoạt động của tổ chức gây ra.

Tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu dễ bị lây nhiễm, như: Karaoke (cố định và di động); vũ trường, quán bar; kinh doanh trò chơi điện tử, internet công cộng; spa, massage, xông hơi, vật lý trị liệu, tụ điểm hát với nhau.

Đối với cơ sở lưu trú: Được hoạt động nhưng phải đảm bảo đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, phải khai báo tạm trú theo quy định; khách lưu trú phải có kết quả xét nghiệm Âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ và không đến từ các khu vực, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ (nhân viên phục vụ phải có xác nhận tiêm từ 01 mũi vắc xin phòng Covid-19 trở lên, tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K).

Các cuộc họp, hội nghị, các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được hoạt động nhưng phải có phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch phù hợp với từng loại hình hoạt động và không quá 30 người trong cùng thời điểm.

Cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn, uống được hoạt động nhưng không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi và phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc 5K. Khuyến khích bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi.

Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung không quá 15 người, phải bảo đảm thực hiện nghiêm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

- Hoạt động giao thông công cộng đường bộ (hoạt động không quá 50% ghế ngồi), đường sắt, đường thủy; các phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông nội tỉnh, liên tỉnh phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; không đón, trả khách tại địa bàn, địa điểm phong tỏa, giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đối với huyện đảo Lý Sơn (trừ các trường hợp cần thiết theo quy định tại Điểm 12 Công văn số 4095/UBND-KGVX ngày 18/8/2021 của UBND tỉnh); tiếp tục cấm phương tiện giao thông đường bộ vào khu vực Sa Huỳnh theo Quốc lộ 1A cũ (trừ phương tiện của người dân xã Phổ Châu, phường Phổ Thạnh thuộc thị xã Đức Phổ và các trường hợp phục vụ cho khu vực Sa Huỳnh như: Cấp cứu, khám, chữa bệnh; thi hành công vụ; xe chở hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, người lao động phục vụ thi công các công trình trên địa bàn).

Rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tổ chức rà soát các thủ tục hành chính theo ngành, lĩnh vực do cơ quan, đơn vị mình giải quyết theo đúng quy định; nghiên cứu kết quả rà soát của UBND huyện Sơn Hà, UBND thị xã Đức Phổ và UBND thành phố Quảng Ngãi để hoàn thiện biểu mẫu rà soát và các phương án đề xuất phân cấp trên hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ, gửi Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp.

Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Văn phòng UBND tỉnh để hoàn thiện biểu mẫu rà soát, gửi báo cáo UBND tỉnh trên Hệ thống…

Đối với các thủ tục hành chính do nhiều cơ quan, đơn vị cùng thực hiện, giao trách nhiệm rà soát, đề xuất phương án phân cấp thủ tục hành chính cụ thể như sau: Thanh tra tỉnh chủ trì trong 2 lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; Sở Nội vụ chủ trì trong 3 lĩnh vực Cán bộ, công chức, viên chức và thi đua- khen thưởng; Sở Xây dựng chủ trì trong lĩnh vực xây dựng…

Thời gian hoàn thành trước ngày 30/10/2021.

Đối với UBND thành phố Quảng Ngãi, UBND thị xã Đức Phổ và UBND huyện Sơn Hà tổ chức rà soát theo các nội dung đã quy định, gửi báo cáo kết quả rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính về UBND tỉnh trước ngày 20/10/2021.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn, dôn đốc và tổ chức tập huấn (nếu có) cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc rà soát, gửi báo cáo kết quả và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính về UBND tỉnh trên Hệ thống…

 

Triển khai thực hiện Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai lập và hoàn thành hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện, trình UBND tỉnh trước ngày 15/10/2021. Đây là thời hạn cuối sau khi đã xem xét yếu tố chậm do khách quan và đã kéo dài thêm 15 ngày so với thời hạn quy định; vì vậy, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải đảm bảo thời hạn hoàn thành nội dung này và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để chậm trễ.

Về trình tự, thủ tục và chỉ tiêu thực hiện Kế hoạch sử dụng đất năm 2022: UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Thông tư số 01/2021/TT-BTNMT ngày 12/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và theo nội dung hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 4299/STNMT-QLĐĐ ngày 10/9/2021.

Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và khẩn trương tổ chức thẩm định ngay khi tiếp nhận hồ sơ Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của UBND các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo tiến độ trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết danh mục công trình dự án thu hồi đất năm 2022 cấp huyện vào cuối năm 2021 theo quy định.

                                                                T.H (tổng hợp)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI

Địa chỉ: 52 Hùng Vương, Nguyễn Nghiêm, Quảng Ngãi

Điện thoại Ban Biên tập: 0255 3712 135 - Fax: 0255 3 822 217 - Email: bbt@quangngai.gov.vn

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Quốc Việt - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi

Bản quyền thuộc về Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ngãi' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này