Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”
23/11/2024 15:23 383
Sáng 23-11, tại thành phố Quảng Ngãi, Báo Văn hóa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền dự và phát biểu tại Hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền khẳng định, Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá, là nơi phát hiện văn hóa Sa Huỳnh, một trong 03 nền văn hóa tiêu biểu trong tiến trình lịch sử của Việt Nam đã được thế giới công nhận. Nét đặc sắc của văn hóa Quảng Ngãi là sự tiếp nối, giao thoa của 03 nền văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa - Đại Việt; với nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp nổi tiếng, được gọi là “Cẩm Thành thập nhị cảnh”.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi cũng có nhiều di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Di chỉ khảo cổ học Văn hoá Sa Huỳnh, Khởi nghĩa Ba Tơ, Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, Chiến thắng Ba Gia, Chiến thắng Vạn Tường, Khu chứng tích Sơn Mỹ, di tích liệt sỹ, anh hùng, bác sỹ Đặng Thùy Trâm,... Đây là những minh chứng hào hùng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Quảng Ngãi.
Bên cạnh đó, Quảng ngãi còn là quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hoá như: Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một nhà chính trị, nhà văn hóa lớn của Đảng và dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu tại Hội thảo
Cùng với truyền thống lịch sử hào hùng, Quảng Ngãi còn là vùng đất giàu bản sắc văn hoá, nơi hội tụ và giao thoa của nhiều dân tộc anh em. Trong đó, có các dân tộc thiểu số như: Cor, H’re, Ca Dong,… đã và đang lưu giữ những nét văn hóa độc đáo, từ trang phục, ẩm thực, phong tục, đến những làn điệu dân ca và nghi lễ truyền thống, giàu bản sắc, được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ, ngữ văn dân gian như: Sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò vè, hát ru; các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: Âm nhạc, múa, hát, sân khấu… và tập quán xã hội, các lễ hội, các nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian vô cùng phong phú.
Một số loại hình đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Đấu Chiêng của người Cor, huyện Trà Bồng; nghề Dệt thổ cẩm, đánh Chiêng Ba của người Hrê, huyện Ba Tơ,… Đây là tài sản vô giá, là nguồn lực rất quan trọng để phát triển du lịch đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa.
Quang cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng cho rằng, trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội và ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, một số giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang đối mặt với những thách thức lớn. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng; trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, đòi hỏi sự nỗ lực của các cơ quan quản lý và sự chung tay của toàn thể cộng đồng, đặc biệt là sự đồng hành của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, và các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, Hội thảo là dịp để thảo luận, đánh giá thực trạng, tìm ra những giải pháp khả thi nhằm kết nối bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng, qua hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, các giải pháp cả về lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Ngãi được bảo tồn và phát triển. Với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí, truyền thông, Hội thảo sẽ mở ra những hướng đi mới, thiết thực và hiệu quả trong bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi.
Tổng biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ phát biểu đề dẫn
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Tổng biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh, Hội thảo là cơ hội để ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi lắng nghe các đề xuất, kiến nghị giải pháp bảo tồn và phát triển mang tính toàn diện và thực tiễn. Ban Tổ chức mong nhận được sự tham gia tích cực, ý kiến đóng góp tâm huyết và các sáng kiến từ các diễn giả, các nhà khoa học để cùng nhau thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch cũng như đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành văn hóa, du lịch Quảng Ngãi.
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được hơn 20 bài tham luận các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và doanh nghiệp về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cũng như khu vực miền Trung và cả nước.
Các các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tham gia phiên thảo luận trực tiếp tại Hội thảo
Tại Hội thảo cũng đã diễn ra phiên thảo luận trực tiếp của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về các mô hình, điển hình thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; công tác đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các vùng đồng bào DTTS; kết nối các điểm du lịch vùng đồng bào DTTS; định hướng phát triển du lịch gắn với công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; đề xuất giải pháp nhằm triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch hiện nay.
Dịp này, Báo Văn hóa và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã ký kết hợp tác quảng bá truyền thông văn hóa, du lịch giai đoạn 2025-2030. Hiệp hội Du lịch tỉnh với Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng, CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội Lữ hành G7 ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2025-2030.
T.D-T.T
Tin liên quan
- Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW họp cho ý kiến về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- UBND tỉnh giải quyết vướng mắc dự án Đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong
- Bế mạc Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh khoá XIII
- HĐND tỉnh chất vấn và trả lời chất vấn đối với những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm
- Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh khóa XIII thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng
- HĐND tỉnh thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
- UBND tỉnh họp về công tác giải ngân vốn đầu tư công
- HĐND tỉnh xem xét, thông qua một số nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 29
- Khai mạc Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh khoá XIII
- Lãnh đạo tỉnh dự Lễ bế giảng Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý
- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cho ý kiến về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy khối nhà nước