Ở tỉnh ta, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm
thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước quy định về việc áp dụng
HTQLCL vào các CQHCNN. Trong đó, quy định hiện hành là Quyết định số
832/QĐ-UBND ngày 29/5/2015 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số
19/2014/QĐ-UBND của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 36/46 CQHCNN
(chiếm 78,26%) đã thực hiện xây dựng, áp dụng HTQLCL và công bố theo quy định,
trong đó đa số các cơ quan áp dụng tích hợp hệ thống một cửa đã làm tăng hiệu quả
của HTQLCL. Qua kiểm tra thực tế tại 10 CQHCNN, việc xây dựng, áp dụng, duy trì
và cải tiến HTQLCL được các cơ quan thực hiện nghiêm túc, đa số các CQHCNN đã
thực hiện theo đúng yêu cầu của HTQLCL và Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg như thực
hiện các quá trình giải quyết công việc và các quá trình được xác định trong
HTQLCL; lãnh đạo cơ quan quan tâm và chỉ đạo thực hiện; cán bộ, công chức, viên
chức cơ quan có nhận thức tốt về HTQLCL; cập nhật các thay đổi của văn bản quy
phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý công việc vào HTQLCL. Ông Võ Ngọc
Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường nhận xét: Việc áp dụng
HTQLCL vào cơ quan đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý hành chính nhà
nước. Hoạt động quản lý tài liệu, hồ sơ được thực hiện một cách nề nếp, quy cũ;
nâng cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức; lãnh đạo
điều hành công việc có hiệu quả hơn nhờ thiết lập cơ chế giải quyết công việc
rành mạch, thống nhất.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ quan thực hiện chưa đầy
đủ các nội dung quy định như: Quy trình, tài liệu bắt buộc của HTQLCL; quy
trình, tài liệu xây dựng theo thủ tục hành chính; chính sách chất lượng; thực
hiện niêm yết công khai chính sách chất lượng tại trụ sở cơ quan; mục tiêu chất
lượng… Theo đại diện của các cơ quan này, việc áp dụng HTQLCL vẫn còn một số
khó khăn, tồn tại như: Các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi, bổ
sung, điều chỉnh gây khó khăn cho việc cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy trình
giải quyết công việc đã ban hành; cán bộ phụ trách công tác ISO là công chức
kiêm nhiệm, một số cán bộ phụ trách công tác ISO tại cơ quan được luân chuyển đến
những vị trí công tác khác nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của
việc vận hành HTQLCL. Ông Lê Đình Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết:
Tại thời điểm kiểm tra, mặc dù văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc
thay đổi một số thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn đã được cấp có thẩm quyền
ban hành, tuy nhiên đến nay UBND tỉnh vẫn chưa ban hành thủ tục hành chính thuộc
thẩm quyền giải quyết của UBND huyện, nên gây khó khăn cho việc xây dựng quy
trình thủ tục hành chính theo HTQLCL.
Theo quy định tại Quyết định số 832/QĐ-UBND của UBND tỉnh,
đến cuối năm 2016, tất cả các CQHCNN thuộc diện bắt buộc phải hoàn thành việc
xây dựng, áp dụng và thực hiện công bố HTQLCL. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 10/46
CQHCNN (chiếm 21,74%) chưa thực hiện đầy đủ. Trong đó, có 7/10 cơ quan đã xây dựng
kế hoạch và đang triển khai thực hiện, còn 3/10 cơ quan vẫn chưa thực hiện.
Nguyên nhân là do mặc dù đã có Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính (Thông tư số
116/TT-BTC ngày 11/8/2015), quy định về công tác tài chính đối với việc áp dụng
HTQLCL vào CQHCNN. Tuy nhiên, nguồn ngân sách chưa được cân đối và phân bổ kinh
phí đầy đủ để các cơ quan thực hiện xây dựng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo
quy định.
Có thể khẳng định rằng, việc áp dụng HTQLCL vào hoạt động
của các CQHCNN là chủ trương đúng đắn. Những kết quả ban đầu đạt được trên địa
bàn tỉnh cho thấy việc áp dụng và triển khai HTQLCL đã góp phần quan trọng
trong công tác cải cách hành chính, hướng tới phục vụ nhân dân một cách công
khai, đúng đắn, hiệu quả, xóa bỏ các quy định mang tính quan liêu, gây phiền hà
cho cá nhân và tổ chức. Vì vậy, cần đẩy mạnh triển khai áp dụng, mở rộng HTQLCL
tại các cơ quan hành chính, hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu
lực lấy thước đo sự thoả mãn của khách hàng làm cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả
cho hoạt động của các cơ quan mà trong đó HTQLCL là công cụ hữu hiệu, là điều
kiện cần thiết cho mọi hoạt động quản lý.
Để HTQLCL thật sự là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho công
tác quản lý hành chính nhà nước, thời gian đến cần tiếp tục thực hiện các nhiệm
vụ sau:
Thứ nhất, nâng cao vai trò của người đứng đầu. Thủ trưởng cơ quan hiểu rõ vai
trò của việc áp dụng, duy trì HTQLCL để chỉ đạo việc triển khai ở đơn vị. Ngoài
việc cam kết thực hiện áp dụng HTQLCL bằng văn bản còn phải trực tiếp chỉ đạo,
tham gia, giám sát toàn bộ quá trình xây dựng, duy trì, cải tiến HTQLCL; kết hợp
việc áp dụng HTQLCL với việc chuẩn hoá công vụ, áp dụng công nghệ thông tin,
truyền thông trong hoạt động thực thi công vụ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý hành chính nhà nước một cách tốt nhất.
Thứ hai, nâng cao năng lực cán bộ, công chức. Nâng cao năng lực cán bộ, công
chức là giải pháp hiệu quả không những để nâng cao hiệu quả áp dụng HTQLCL, đáp
ứng yêu cầu phục vụ nhân dân mà còn có tầm quan trọng rất lớn trong sự nghiệp
xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng và áp dụng
HTQLCL của các CQHCNN trên địa bàn tỉnh. Thông qua các đợt kiểm tra nhằm nắm bắt
tình hình triển khai xây dựng, áp dụng và duy trì, cải tiến HTQLCL; những thuận
lợi, khó khăn, hiệu quả của việc áp dụng HTQLCL mang lại và những hạn chế còn tồn
tại. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, duy
trì, cải tiến hệ thống theo yêu cầu của tiêu chuẩn và các quy định của pháp luật
hiện hành.
HUỲNH THỊ PHƯƠNG THU
(Theo Bản tin KH&CN, số 06/2017)