 |
Nông dân xã Tịnh Giang đang phun thuốc chăm sóc cây ngô. |
Trong những năm qua, huyện Sơn Tịnh
đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó tập
trung phát triển các loại cây trồng vật nuôi của huyện có thế mạnh như: nuôi
bò, nuôi gà, trồng ngô, đậu phụng,... Từ các Dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản
xuất nông nghiệp đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế, sản xuất theo chuỗi giá trị
hàng hóa. Từ năm 2018 đến nay, huyện Sơn Tịnh đã triển khai thực hiện có hiệu
quả 2 Dự án khoa học công nghệ, đó là Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng
mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân để sản xuất ngô thương phẩm làm
nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả ở huyện Sơn Tịnh”
và dự án “Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học và công nghệ phát triển đàn
bò lai hướng thịt trên nền bò cái Zêbu tại các xã miền núi huyện Sơn Tịnh”.
Ông Phạm Hồng Sơn – Trưởng
Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Sơn Tịnh cho biết: Dự án ứng dụng
khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – nông dân để sản
xuất ngô thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa
kém hiệu quả ở huyện Sơn Tịnh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện với
qui mô 40 ha/vụ trong thời gian 2 năm (từ năm 2018 đến năm 2019) tại 2 xã Tịnh
Đông và Tịnh Giang. Từ năm 2018 đến nay, đã triển khai thực hiện mô hình hơn
126 ha, đạt 79% kế hoạch, năng suất bình quân hơn 72 tạ/ha, đạt 103,8% kế hoạch,
sản lượng 919/1.100 tấn, đạt 83,5% kế hoạch.
Trong quá trình thực hiện
đã xây dựng mô hình thu hoạch, sơ chế bảo quản và bao tiêu ngô thương phẩm làm
nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp
Tịnh Đông, Tịnh Giang việc thu hoạch, sơ chế bảo quản và bán cho Công ty TNHH
Thuận Giao với tổng sản lượng 919 tấn ngô thương phẩm (chất lượng ngô hạt đạt độ
ẩm thủy phần 13%, không có hạt mốc, sâu bệnh hại, tỷ lệ hạt nguyên đạt trên
90%). Trong đó, vụ Đông Xuân 2017-2018 là 125 tấn, vụ Hè thu 2018 là 596 tấn, vụ
Đông Xuân 2018-2019 là 197 tấn. Tổng kinh phí thực hiện dự án 6,5 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương 2,71 tỷ đồng, vốn ngân
sách sự nghiệp khoa học tỉnh 0,88 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 1,162 tỷ đồng, vốn
dân tham gia đóng góp 1,748 tỷ đồng.

Ông Phạm Đông, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh kiểm tra dự án "Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học và công nghệ phát triển đàn bò lai hướng thịt trên nền bò cái Zêbu tại các xã miền núi huyện Sơn Tịnh".
Qua 2 năm thực hiện dự án
đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, cụ thể với năng suất bình
quân 72,66 tạ/ha, giá bán bình quân 5.200 đồng/kg, doanh thu đạt hơn 37,7 triệu
đồng/ha/vụ, lợi nhuận hơn 11 triệu đồng/ha/vụ. So sánh với sản xuất lúa, năng
suất bình quân 58 tạ/ha, giá bán bình quân 5.800 đồng/kg, doanh thu đạt hơn
33,6 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 8 triệu 500 ngàn đồng/ha/vụ. Như vậy, so với sản
xuất lúa, sản xuất ngô lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa hơn 2.583.000 đồng/ha/vụ,
tăng 30%.
Đối với dự án “Hỗ trợ ứng
dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học và công nghệ phát triển đàn bò lai hướng thịt
trên nền bò cái Zêbu tại các xã miền núi huyện Sơn Tịnh”, thực hiện từ tháng 7
năm 2017 có 600 hộ ở 3 xã Tịnh Đông, Tịnh Giang, Tịnh Hiệp tham gia. Đây là những
hộ chăn nuôi bò trên địa bàn xã, có nuôi từ 2 con bò cái lai Zêbu trở lên, bò
cái có độ tuổi từ 18 tháng tuổi trở lên và trọng lượng mỗi con lớn hơn hoặc bằng
250 kg/con, ưu tiên những hộ có chuồng trại kiên cố, đảm bảo vệ sinh và có diện
tích đất trồng cỏ tối thiểu 500 m2. Sau 2 năm thực hiện, dự án đã đạt
kết quả vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đã tổ chức phối giống cho 1.300 con bò
cái, qua kiểm tra đến nay đã có 963 con bò cái có chữa, đạt tỷ lệ 74,07%, số
con bê sinh ra của dự án đến nay là 201 con. Trong đó, xã Tịnh Giang 76 con, Tịnh
Đông 70 con, Tịnh Hiệp 45 con. Để nuôi bò đạt chất lượng và đem lại hiệu quả
kinh tế cao, dự án đã hướng dẫn và triển khai thực hiện phương pháp lên men
FTMR – Fermented Total Mixed Ration. Đến nay, đã có 159 hộ thực hiện ủ chua,
lên men 1.740 kg thức ăn. Qua nhận xét, đánh giá của các hộ tham gia thì đây là
một thành công lớn của dự án vì đã tận dụng được tất cả nguồn thức ăn xanh tại
hộ và có thể dự trữ được lâu.
Các dự án khoa học công
nghệ được triển khai thực hiện ở huyện Sơn Tịnh đến nay đã phát huy hiệu quả,
góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của
người dân trên địa bàn huyện.
KIM
CÚC
(Theo Bản tin KH&CN, số
04/2019)