Sở Công Thương Quảng Ngãi, với vai trò là cơ quan thành viên
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh do
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thành lập (Cuộc vận động), đã tích cực tham
gia hưởng ứng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vân động. Từ tháng 7/2009,
Sở Công Thương đã vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn
hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động bằng nhiều hình thức: Cổ động tuyên truyền,
thực hiện đăng ký kinh doanh và sử dụng hàng Việt, tổ chức khuyến mãi để thu
hút sự quan tâm của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Trong giai đoạn 2009 -
2018, thông qua giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực xúc tiến thương mại
theo cơ chế một cửa, một cửa hiện đại, Sở Công Thương Quảng Ngãi đã tiếp nhận gần
41 nghìn lượt đăng ký, thông báo khuyến mại, ban hành 276 văn bản xác nhận cho
các doanh nghiệp thực hiện đăng ký khuyến mại. Hiện nay, thủ tục hành chính
trên lĩnh vực xúc tiến thương mại của Sở Công Thương tại Trung tâm phục vụ hành
chính công tỉnh được giải quyết trực tuyến đạt tỷ lệ trên 17%, góp phần quan trọng
trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển
sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng
Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố khảo
sát, xây dựng thành công 05 điểm kinh doanh hàng Việt cố định tại các huyện Sơn
Hà, Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tây và Sơn Tịnh. Vận động các doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh (tiêu biểu là Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Quảng Ngãi – CoopMart Quảng
Ngãi); chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức 164 phiên
chợ Đưa hàng Việt về nông thôn, với hơn 203 ngàn lượt khách tham gia, đạt doanh
thu 17 tỷ đồng; đồng thời thực hiện chương trình Bình ổn thị trường trong các dịp
Tết Nguyên đán cổ truyền.
Tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung – cầu Quảng Ngãi -
năm 2017, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi thông tin, kết nối giao thương, phân phối sản phẩm.
Qua Hội nghị đã có 15 hợp đồng nguyên tắc được ký kết với 25 cơ sở, doanh nghiệp
tham gia, nhiều thương hiệu, sản phẩm của tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia vào hệ thống
các chuỗi phân phối như: Hệ thống Siêu thị Big C, siêu thị Coop.Mart, Siêu thị
Tứ Sơn (Châu Đốc, An Giang). Đặc biệt, để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại
trên địa bàn tỉnh, nhân dịp Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi (1989-2019),
Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh tổ chức “Hội chợ Triển lãm sản phẩm Núi Ấn
Sông Trà năm 2019”, thời gian từ 14/6/2019 – 23/6/2019 với quy mô 400 gian
hàng, kêu gọi sự hưởng ứng của các doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt những
doanh nghiệp có thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.
Hàng năm Sở Công Thương giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp sản
xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các Hội nghị kết nối cung cầu, các
hội chợ triển lãm thương mại do Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố trong cả nước
tổ chức. Nhiều thương hiệu, sản phẩm của tỉnh đã kết nối được các thị trường
trong và ngoài nước như: sản phẩm của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, sản phẩm
của các doanh nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh, sản
phẩm đặc trưng của Quảng Ngãi như, tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng… Bên cạnh đó, Sở
Công Thương đã giới thiệu Bộ Công Thương 32 mặt hàng thực phẩm đặc sản, đặc
trưng của địa phương đã có chứng nhận an toàn, có chỉ dẫn xuất xứ hàng hóa, để
thúc đẩy tiêu thụ vào hệ thống phân phối của các tỉnh thành; hệ thống phân phối
của các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất,
tiêu thụ hàng hóa tỉnh Quảng Ngãi; tổ chức 02 Hội nghị quốc tế về kết nối tiêu
thụ dưa hấu và một số mặt hàng nông sản giữa tỉnh Quảng Ngãi với các doanh nghiệp
Trung Quốc (trong năm 2017, 2018) nhằm trao đổi thông tin sản phẩm hàng hóa, gặp
gỡ giữa các doanh nghiệp, mở rộng cơ hội hợp tác giao thương, thúc đẩy thương mại
dịch vụ đối với mặt hàng dưa hấu và một số nông sản thế mạnh tỉnh Quảng Ngãi đối
với thị trường Trung Quốc.
Cổng thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi được UBND tỉnh giao
cho Sở Công Thương quản lý trong những năm qua đã góp phần tích cực hỗ trợ và tạo
điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xúc tiến đầu tư, xây dựng, quảng
bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và tiến tới giao dịch mua – bán trên mạng,
góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và
Đề án phát triển thị trường trong nước. Hiện nay Cổng thương mại điện tử của tỉnh
có hơn 150 đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước là thành viên, quảng bá, giới
thiệu hơn 150 sản phẩm, trong đó, có 50 sản phẩm đặc trưng của địa phương. Mỗi
năm, đăng khoảng 150 bài viết về hoạt động xúc tiến thương mại, phiên chợ, hội
chợ trong và ngoài tỉnh. 50% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện
tử để mua bán các sản phẩm và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp.
Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho
lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp về: Lộ trình thực hiện cam kết của Việt
Nam về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ; dự báo những thuận lợi, khó khăn
khi Việt Nam thực hiện các cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định
Thương mại tự do (FTA), Khu vực mậu dịch tự do (ASEAN), Hiệp định Đối tác Toàn
diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); các rào cản thương mại, kỹ năng
đàm phán, khai thác thông tin thị trường quốc tế, kinh nghiệm giải quyết các
tranh chấp thương mại của nước ngoài; thương mại điện tử trong thời kỳ hội nhập,…
Song song với hoạt động xúc tiến thương mại, công tác bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng ngày càng được chú trọng. Việc tuyên truyền nâng cao
nhận thức của doanh nghiệp trong việc đảm bảo lợi ích người tiêu dùng được Sở
Công Thương triển khai bằng nhiều hình thức, tiêu biểu là tổ chức Lễ phát động
và diễu hành Ngày Quyền của người tiêu dùng; tăng cường quản lý nhà nước đối với
hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời, phối hợp với
các lực lượng chức năng (Quản lý thị trường, Công an...) tăng cường thanh tra,
kiểm tra nhằm xử lý các hành vi ảnh hưởng quyền người tiêu dùng, góp phần bảo vệ
hàng Việt...
Thời gian tới, để Cuộc vận động đi vào chiều sâu và ngày
càng lan tỏa, tạo sự nhận thức sâu rộng đến toàn xã hội, cần sự vào cuộc quyết
liệt hơn nữa của các cấp, các ngành; các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận
động tăng cường thực hiện nhiệm vụ được phân công, thường xuyên phổ biến cập nhật
kiến thức kinh tế, thị trường qua các lớp tập huấn để doanh nghiệp nắm bắt, tận
dụng được lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động
hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đối với Sở Công Thương, tiếp tục đẩy mạnh tham mưu cơ
chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt vào các kênh phân phối hiện đại,
truyền thống; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hợp
tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với lực lượng chức năng trong việc quản
lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả, đặc biệt trong dịp lễ, Tết; thực hiện
các giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong
việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cẩm Vân