Đó là một nội dung trọng tâm, xuyên suốt, nòng cốt của Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (Chỉ thị số 10).
Theo đó, Chỉ thị số 10 quy định rõ “...không xử lý
hành chính mà phải xử lý hình sự nghiêm minh đối với hành vi nhũng
nhiễu, gây phiền hà với người dân, doanh nghiệp đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm
theo quy định của pháp luật; công khai
danh tính cán bộ vi phạm trên cổng thông tin điện tử; cương quyết xử lý nghiêm
những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng, đưa ra khỏi
bộ máy của Đảng và Nhà nước...”.
Và quy định cụ thể việc xử lý liên đới trách nhiệm đối với người đứng đầu “Xử lý nghiêm
đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ,
công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây
phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao
che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái...”
Bên cạnh đó, Chỉ thị số 10 cụ thể hóa
những công việc cần làm ngay để phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với tình trạng
nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân như: Tăng cường trách
nhiệm người đứng đầu; thực hiện cải
cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan,
tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý (không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ,
tài liệu quá 01 lần); nâng cao chất
lượng công tác đối thoại với doanh nghiệp, người dân theo hướng thực chất, cầu
thị; công khai, niêm yết thời gian,
địa điểm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp
thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến
nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi
thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN; Tăng cường thanh tra, kiểm tra công
vụ; xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm...
Có thể thấy rằng, Chỉ thị số 10 đưa ra
nhiều chủ trương, giải pháp kiên quyết, cứng rắn trong công tác đấu tranh chống
hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân, doanh nghiệp; tạo cơ sở pháp lý
quan trọng để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tham nhũng vặt đang gây bức
xúc hiện nay. Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10, thiết nghĩ các cấp, các
ngành cần quán triệt cho cán bộ, viên chức thực hiện nghiêm túc, trong đó, cần
phát huy tính gương mẫu, đi đầu của người đứng đầu; mặt khác, cần có sự tham
gia tích cực của Nhân dân trong phát huy quyền làm chủ, một mặt tạo điều kiện
để cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ, một mặt phải phát huy vai trò giám
sát, tuyệt đối không cổ xúy mà cần phát hiện và đề nghị xử lý nghiêm các trường
hợp vi phạm, góp phần tạo môi trường lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội của đất nước./.
Bích Ngọc