Một mô hình có hợp đồng liên kết chặt chẽ giữa
người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, đầu ra được đảm bảo mang lại hiệu
quả cao cho người nông dân được huyện Sơn Tịnh triển khai trong thời gian qua
đó là Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình liên kết giữa doanh
nghiệp - nông dân để sản xuất ngô thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn
chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả ở huyện Sơn Tịnh” triển khai tại 2 xã Tịnh
Đông và Tịnh Giang trong 2 năm 2018 và 2019 với tổng diện tích 160 ha, năng suất
bình quân đạt trên 71 tạ/ha, sản lượng đạt 1.139 tấn.
Hộ ít nhất trồng 2 sào, hộ nhiều trồng từ 5-6
sào. Bà con được hỗ trợ 2 loại ngô giống LVN 61 và CP 333. Nhà nước hỗ trợ 100%
giống với trên 1.000 tấn giống và 30% vật tư, phân bón. Bà con đã thực hiện
theo đúng phương pháp trồng và bón phân.
Từ nguồn kinh phí của Dự án, huyện Sơn Tịnh hỗ
trợ cho xã Tịnh Đông 1 máy cày, xây dựng công trình nhà kho sân phơi cho xã Tịnh
Giang, 1 máy gieo hàng, 3 máy bóc bẹ tách hạt ngô. Ngô thương phẩm sau khi sấy
đạt độ ẩm dưới 15%, không có hạt mốc, và tỷ lệ hạt nguyên trên 95%.
Các HTX Tịnh Đông và Tịnh Giang triển khai thực
hiện dịch vụ sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Đơn giá thu mua 2 triệu đồng/tấn,
tương đương 2.000 đồng/kg ngô trái. HTX thu mua toàn bộ sản lượng ngô cho xã
viên để tách hạt sấy khô và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Việc Nhà nước đầu tư trồng ngô thương phẩm trên
đất lúa kém hiệu quả là đáp ứng niềm mong đợi của người nông dân, bởi trước đây
vùng đất này bà con thường xuyên trồng ớt, nhưng cây ớt rất bấp bênh, hoặc trồng
ngô giống thường thì năng suất không cao, bây giờ bà con trồng giống mới, năng
suất cao, đầu ra cũng ổn định. Dự án đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của
bà con nông dân, hình thành được chuỗi liên kết sản xuất bền vững từ sản xuất,
chế biến, tiêu thụ.
Ngoài ra, có thể kể đến mô hình phát triển vùng
sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai lang Nhật trên địa bàn xã Tịnh Thọ, theo
hình thức liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân. Trước đây,
khoai lang trồng ở Tịnh Thọ chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa, không xuất
khẩu, không qua chế biến, do vậy hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, mô hình
này được huyện hỗ trợ một số máy, thiết bị chế biến khoai lang, từng bước đưa sản
phẩm khoai lang vào các siêu thị. Với việc liên kết với thành viên HTX sản xuất
thu mua, chế biến và tiêu thụ các loại sản phẩm nông nghiệp, qua 3 vụ sản xuất
từ vụ Đông Xuân 2016-2017 đến nay, HTX Tịnh Thọ đã tiếp tục ký hợp đồng với 43
hộ thành viên HTX sản xuất 6 ha khoai lang Nhật, HTX cung ứng giống, vật tư
phân bón các loại, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Với giá khoai lang
tươi trung bình từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/kg, mô hình khoai lang thu khoảng
100 triệu đồng/ha/vụ, tăng giá trị gần gấp đôi so với các loại cây trồng khác.
Trong phương thức tiêu thụ, HTX vừa bán tươi vừa bán sản phẩm sấy khô có đăng
ký nhãn hiệu. Từ khi thực hiện mô hình, ngành chức năng của huyện Sơn Tịnh
đã giúp nông dân tìm đầu ra để thu mua sản phẩm và doanh nghiệp đã
đến tận ruộng để kiểm tra chất lượng, năng suất, thu mua cho người dân.
Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng và phát
triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển ổn
định, bền vững đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; nâng cao chất lượng và
phát triển các HTX; củng cố, hoàn thiện các mối liên kết giữa nông dân, HTX và
doanh nghiệp.
Thu Phượng - Kim Cúc