Triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội 6 tháng cuối năm 2019
Chủ
tịch UBND tỉnh chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc
UBND tỉnh, các cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố nghiêm túc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các
nội dung, nhiệm vụ được nêu tại Kết luận số 1163-KL/TU ngày 01/7/2019 của Hội
nghị Tỉnh ủy lần thứ mười sáu (khóa XIX), Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày
10/7/2019 của HĐND tỉnh khóa XII - Kỳ họp thứ 15 về nhiệm vụ phát triển kinh tế
- xã hội 6 tháng cuối năm 2019; kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện
đối với những nội dung thuộc thẩm quyền; phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mức
các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong năm 2019.
Văn phòng UBND tỉnh
theo dõi, đôn đốc các sở, ban ngành, địa phương và kịp thời tham mưu UBND tỉnh
chỉ đạo đối với việc triển khai thực hiện Kết luận, Nghị quyết nêu trên.
Triển khai xây dựng dự toán ngân sách nhà nước
năm 2020
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị, địa phương căn cứ các quy định liên quan tổ chức xây dựng dự toán
ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm
2020-2022, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với tình hình
thực tế của từng cơ quan, đơn vị và địa phương.
Xây
dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước triệt để, tiết kiệm
Về dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, yêu
cầu phải xây dựng theo đúng chính sách, chế độ
hiện hành, trên cơ
sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2019; đồng thời phân tích, dự
báo tình hình kinh tế xã hội đặc biệt là những nhân tố tác động làm thay đổi
tình hình đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất
nhập khẩu năm 2020.
Dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền
sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ
tức và lợi nhuận sau thuế) năm 2020 bình quân tăng tối
thiểu 10-12% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019. Mức tăng thu cụ thể
tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế
trên địa bàn của từng địa phương.
Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân
tối thiểu 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2019.
Về dự toán chi ngân sách địa
phương, Chủ tịch cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng dự toán
chi đầu tư phát triển nguồn NSNN (bao gồm cả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn
viện trợ, vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn thu xổ số
kiến thiết, nguồn thu từ bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp, nguồn thu
tiền sử dụng đất) đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 -
2020; đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015
của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015
của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 684a/QĐ-UBND ngày
16/12/2016 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công
trung hạn giai đoạn 2016-2020,…
Dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN cần chi tiết
theo các lĩnh vực chi phù hợp với quy định của Luật NSNN và sắp xếp các dự án
theo thứ tự ưu tiên. Các cơ quan, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho
phép sử dụng nguồn thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước để
đầu tư, phải lập dự toán chi từ nguồn thu này năm 2020 và tổng hợp
trong dự toán chi của các cơ quan, đơn vị gửi cơ quan Kế hoạch và đầu tư và cơ
quan Tài chính cùng cấp để tổng hợp dự toán NSNN trình cấp có thẩm quyền quyết
định.
Về dự toán chi thường xuyên, căn cứ nhiệm vụ chính
trị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và số kiểm tra dự toán thu,
chi ngân sách năm 2020, xây dựng dự toán chi thường xuyên cho từng lĩnh vực chi
theo mục tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2020, đảm bảo đúng chính sách, chế độ,
định mức chi NSNN, đảm bảo đúng tính chất nguồn kinh phí, đáp ứng các nhiệm vụ
chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban
hành, triệt để tiết kiệm.
Bên cạnh đó, chủ động tính toán, bố trí nguồn để
xử lý dứt điểm các khoản nợ xây dựng cơ bản, nợ tạm ứng, ứng trước, các khoản nợ
vay của NSĐP phải trả khi đến hạn. Bố
trí dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư các
công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án di dân, tái định cư,
chuẩn bị mặt bằng xây dựng, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn
mới; chủ động phân bổ lập quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định số
43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; sử dụng tối thiểu 20% số thu tiền
sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập
cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Dự toán chi mua sắm, bảo
dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ
quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị
đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định; hạn chế
tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài,…
Lập kế
hoạch tài chính – ngân sách nhà nước
03 năm 2020 - 2022
Đối với việc lập kế hoạch tài chính- ngân
sách Nhà nước 03 năm 2020-2022, Chủ tịch yêu cầu các đơn vị cấp tỉnh căn
cứ kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2019 - 2021 đã được rà soát, cập nhật vào
thời điểm 31/3/2019, các trần chi tiêu giai đoạn 2020 - 2022 do cơ quan tài
chính, kế hoạch và đầu tư cập nhật, thông báo; xây dựng kế hoạch tài chính -
NSNN 03 năm 2020 - 2022 theo Nghị định 45/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính
phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan.
Trường hợp nhu cầu chi của các đơn vị cấp tỉnh trong
các năm 2020 - 2022 tăng, giảm mạnh so với dự toán năm 2019 đã được giao và ước
thực hiện năm 2019, lớn hơn khả năng nguồn lực tài chính - NSNN mà cơ quan tài
chính, đầu tư cập nhật, thông báo cho kỳ 3 năm 2020 - 2022; các đơn vị cấp tỉnh
thuyết minh, giải trình, có các giải pháp huy động thêm các nguồn lực tài chính
ngoài ngân sách, đảm bảo các nhu cầu chi phải được cân đối từ các nguồn lực
tương ứng.
Đồng thời, lập kế hoạch tài chính-ngân sách 03 năm
2020-2022 trên cơ sở dự kiến một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô giai đoạn 2020-2022
như sau: năm 2020, 2021 tăng trưởng phấn đấu cao hơn năm 2019, đảm bảo thực
hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2016-2020 ở mức 6,5-7%; năm 2021-2022, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế
ở mức 6,6-6,7%.
Bên cạnh đó, việc lập, báo cáo, tổng hợp và
trình kế hoạch tài chính-NSNN 03 năm 2020-2022 được tiến hành
đồng thời với quá trình lập dự toán NSNN năm 2020 và xây dựng kế hoạch tài
chính 05 năm giai đoạn 2021-2025,…
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-CP của
Chính phủ
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành,
UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ
được giao nghiên cứu, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khuyến khích,
thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững theo
Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ.
Sở Kế
hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành
phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ
thể, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết phù
hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Kết luận về dự án Khu đô thị sinh thái Đảo Ngọc,
Cụm công nghiệp hậu cần nghề cá Sa Kỳ
Về ý tưởng
quy hoạch chi tiết 1/500 và đề xuất dự án Khu đô thị sinh thái Đảo Ngọc, UBND
tỉnh thống nhất với phương án quy hoạch và đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị sinh
thái Đảo Ngọc của Công ty Cổ phần Thaigroup Quảng Ngãi. Nhà đầu tư phối hợp với
Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến các thành viên dự họp và chỉ đạo của Chủ tịch UBND
tỉnh tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ dự án.
Sở Xây dựng hướng dẫn Nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ dự án, tham mưu UBND tỉnh
báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, làm cơ sở phê duyệt nhiệm vụ quy
hoạch và triển khai các bước tiếp theo đúng quy định.
Dự án Khu đô thị sinh thái Đảo Ngọc được thực hiện theo hình thức đấu thầu
lựa chọn nhà đầu tư.
Về chủ trương đầu tư dự án Cụm công nghiệp hậu cần nghề cá Sa Kỳ và Khu đô
thị thương mại dịch vụ Tịnh Kỳ, nhà đầu tư tiếp thu ý kiến của các thành viên
và kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp, hoàn chỉnh đề xuất chủ trương
đầu tư dự án; gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, tham mưu UBND tỉnh báo cáo
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định chủ trương đầu
tư.
Chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
phải đảm bảo điều kiện theo quy định
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thành phố trong
việc rà soát, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng (rừng phòng hộ,
rừng sản xuất) sang mục đích khác để xây dựng các công trình trên địa bàn; việc
chuyển mục đích sử dụng rừng, đảm bảo phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã
hội trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày
16/11/2018 của Chính phủ.
Sở Tài
nguyên và Môi trường khi tham mưu UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất
rừng (rừng phòng hộ, rừng sản xuất) sang mục đích khác phải đảm bảo điều kiện
theo quy định tại Điều 19 của Luật Lâm nghiệp. Trước khi trình UBND
tỉnh chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Chủ đầu tư phải có phương
án trồng rừng thay thế được UBND tỉnh phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách
nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh theo
quy định tại Điều 21 Luật Lâm nghiệp.
Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố trong việc
thực hiện quy hoạch có ảnh hưởng đến đất, rừng (rừng phòng hộ, rừng sản xuất).
UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cho chủ trương
chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (rừng phòng hộ, rừng sản xuất) sang mục đích
khác thuộc chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư phải thực hiện
nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị
quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ; Chương trình hành động số
22/CTr-TU ngày 04/4/2017 của Tỉnh ủy; Quyết định số 434/QĐ-UBND ngày
20/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh và phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất của địa phương.
T.H (tổng hợp)