Triển khai đánh giá năng lực cạnh
tranh cấp sở, ban ngành và cấp huyện (DDCI)
Tiếp tục triển khai Quyết định số 389/QĐ-UBND ngày 07/3/2018 của Chủ tịch
UBND tỉnh đạt chất lượng, đúng tiến độ nhằm thúc đẩy chất lượng điều hành các
cấp từ tỉnh đến cơ sở trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng
cao kết quả thu hút đầu tư và cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đó
là mục tiêu của Kế hoạch triển khai đánh giá năng lực
cạnh tranh cấp sở, ban ngành và cấp huyện (DDCI) tỉnh Quảng Ngãi năm 2019 vừa
được UBND tỉnh ban hành.
Để đạt được mục tiêu trên, Chủ tịch UBND
tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai việc đánh giá đảm bảo nghiêm
túc, đồng bộ, khách quan. Kết quả đánh giá
phản ánh đúng thực trạng, công khai, minh bạch.
Đối tượng được đánh giá gồm các sở, ban ngành
(15 đơn vị): Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở
Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Ban Quản lý
Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi, Cục Hải quan, Cục
Thuế tỉnh, Công an tỉnh và Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi.
Nhóm các
huyện, thành phố (14 đơn vị): Thành phố Quảng Ngãi và các huyện: Bình Sơn,
Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn
Tây, Minh Long, Ba Tơ, Lý Sơn.
Để đánh giá
khách quan các chỉ số DDCI, tỉnh sẽ thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của khoảng
2.100 doanh nghiệp và 1.000 hợp tác xã, hộ kinh doanh đang tìm hiểu, khảo sát
và triển khai dự án trên địa bàn tỉnh có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính
công của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong tỉnh.
Theo kế
hoạch, ngành chức năng tỉnh sẽ tổ chức phát phiếu về chỉ số DDCI cho doanh
nghiệp đánh giá qua đường bưu điện hoặc phỏng vấn, khảo sát trực tiếp doanh
nghiệp. Các doanh nghiệp và đơn vị liên quan sẽ đánh giá các sở, ban, ngành
tỉnh qua 7 Chỉ số thành phần của bộ tiêu chí DCCI gồm: (01) Tính minh bạch; (2)
Tính năng động; (3) Chi phí thời gian; (4) Chi phí không chính thức; (5) Cạnh
tranh bình đẳng; (6) Hỗ trợ doanh nghiệp; (7) Thiết chế pháp lý. Đối với cấp
UBND các huyện, thành phố ngoài 7 chỉ số nêu trên, đánh giá thêm tiêu chí (8)
Tiếp cận đất đai.
Việc triển
khai đánh giá bộ chỉ số DDCI có ý nghĩa với việc cải thiện môi trường kinh
doanh và nâng cao năng lực điều hành kinh tế cấp sở, ngành và các địa phương.
Kết quả đánh giá đó là cơ sở để các đơn vị chỉ ra được những ưu, nhược điểm
trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần giúp các đơn vị
liên quan nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp
tỉnh hằng năm nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo động lực cạnh tranh
mạnh mẽ giữa các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh.
Chỉ đạo liên quan đến công
tác thu ngân sách nhà nước
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh
và các sở, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ,
giải pháp quản lý thu, nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu ngân sách nhà nước
trên địa bàn. Trong đó, Cục Thuế tỉnh khẩn trương rà soát, đánh giá các khoản
thu đạt thấp trong thời gian qua để kịp thời đôn đốc thu ngân sách nhà nước
trong thời gian đến; phấn đấu đến cuối năm tất cả các khoản thu đều đạt và vượt
dự toán HĐND tỉnh giao.
Đối với việc quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, giao Cục
Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và các đơn
vị liên quan, xây dựng dự thảo quy chế phối hợp cung cấp thông tin, tăng cường
quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, nhằm chống thất thu thuế; đồng
thời, tạo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh trên địa bàn; thực hiện tham
vấn ý kiến của Sở Tư pháp trước khi trình UBND tỉnh xem xét, ban hành.
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh chủ động, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường, Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức cuộc họp
chuyên đề trong quý III năm 2019 về giải pháp chống thất thu thuế trong hoạt động
khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, rà soát và
tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Đối với các trường hợp vướng mắc liên quan đến điều
kiện để giải quyết ưu đãi tiền thuê đất theo chính sách khuyến khích xã hội hóa,
Cục Thuế tỉnh rà soát, tổng hợp và đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý,
tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Về quản lý thu tiền sử dụng đất, giao Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và UBND các huyện,
thành phố khẩn trương rà soát, đánh giá tiến độ thu tiền sử dụng đất đối với
các dự án bất động sản trên địa bàn để kịp thời đôn đốc thu theo thẩm quyền; hoặc
tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo, giải quyết; trong đó, lưu ý tham mưu chỉ đạo
việc đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất đối với các dự án do Công ty TNHH
MTV đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC), Trung tâm Phát
triển quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư.
Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường tăng cường quản lý tốt các khoản thu tiền cấp quyền khai
thác tài nguyên nước và tiền sử dụng khu vực biển theo đúng quy định; trường hợp,
phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. Đồng thời,
chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng Quy chế phối hợp thực
hiện quản lý thuế giữa Cục Thuế tỉnh với UBND các huyện, thành phố, trình UBND
tỉnh xem xét, quyết định.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Thông tin và Truyền
thông, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan tổ chức
cuộc họp chuyên đề trong tháng 6 năm 2019 về giải pháp chống thất thu thuế
trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử;
kịp thời tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thuế
trong công tác thu nợ đọng thuế đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản; đồng thời,
tích cực phối hợp, cung cấp thông tin về dự án, số tiền và thời điểm thanh toán
vốn ngân sách nhà nước để Cơ quan Thuế kịp thời đôn đốc thu nợ thuế.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo triển khai các biện
pháp thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu tăng thu tối thiểu 5% so với dự toán
HĐND huyện, thành phố giao,…
Đảm bảo cho kỳ
thi THPT quốc gia năm 2019 trên địa bàn tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện nội dung Chỉ thị số 10/CT-UBND
ngày 27/5/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc đảm bảo cho kỳ thi THPT quốc gia
năm 2019 (Kỳ thi).
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện,
thành phố tập trung thực hiện các hoạt động
liên quan trong quá trình tổ chức Kỳ thi. Cụ thể, tiến hành thanh tra,
kiểm tra chặt chẽ, nghiêm túc, minh bạch, đúng qui chế trong tất cả các khâu tổ
chức Kỳ thi.
Trong quá trình tổ chức Kỳ thi không được để xảy ra sai phạm. Kịp thời
phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh sai phạm nếu có.
Thành viên Ban chỉ đạo Kỳ thi chủ động thực hiện nhiệm vụ được phân công
tại Thông báo số 01/BCĐ ngày 29/5/2019, phối hợp với các đơn vị tổ chức thi hướng
dẫn kỹ lưỡng các nội dung liên quan, cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, môi
trường nghiêm túc nhưng thoải mái để các thí sinh tự tin tham dự Kỳ thi đạt kết
quả tốt nhất; tổ chức cho giám thị, thí sinh học, nắm vững Quy chế thi; tạo tâm
lý tốt, không gây căng thẳng cho thí sinh dự thi.
Tỉnh đoàn, Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Công ty Điện lực
Quảng Ngãi, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị tổ chức thi đảm bảo việc đi
lại, ăn, ở cho thí sinh; thường xuyên kiểm tra để đảm bảo vệ sinh an toàn thực
phẩm, an ninh trật tự trong suốt quá trình tổ chức Kỳ thi, phục vụ tốt nhất cho
học sinh tham gia đầy đủ, trọn vẹn Kỳ thi.
Huy động cả hệ thống chính
trị phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu
Phi
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thường trực Thành ủy
thành phố Quảng Ngãi, Huyện ủy các huyện; yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo,
điều hành công tác phòng, chống, dập dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với phương châm “phòng, chống dịch như
chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”.
Chỉ đạo chính quyền cơ sở, cơ
quan chuyên môn các cấp của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát
hiện, xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn
chế lây lan dịch bệnh. Các cấp địa phương từ huyện đến xã, thôn, doanh nghiệp
chăn nuôi và hộ gia đình phải có kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với tình
hình cụ thể; thực hiện chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh tại vùng có dịch
theo đúng quy định.
Chủ
tịch UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương kiện toàn, củng
cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định, tăng cường năng lực hệ thống thú
y đảm bảo thực thi nhiệm vụ và chủ động tham mưu cho chính quyền cơ sở; chủ động
tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý lợn bệnh; tổ chức kiểm soát vận
chuyển, kiểm soát giết mổ lợn theo đúng quy định.
Tuyên truyền, hướng dẫn người
chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, không sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn; các trang trại, hộ chăn nuôi lớn
không chủ quan, tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn đặc biệt đàn giống để tái đàn sau khi
hết dịch.
Giao Đoàn công tác liên ngành
của tỉnh thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại các địa
phương; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Chỉ đạo liên quan công tác giải
phóng mặt bằng dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Chủ tịch
UBND tỉnh yêu
cầu Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi khẩn trương
kiểm tra, rà soát và chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc
tại mặt bằng 108,2 ha và các hạng mục của Tiểu Dự án Bồi thương, hỗ trợ, tái
định cư phục vụ Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Tiểu dự án)
thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Quản lý.
Đồng thời, nghiên cứu lập lại Kế hoạch
tạm ứng vốn thực hiện Tiểu dự án cho phù hợp với tiến độ thực hiện của Tiểu dự
án.
Chủ tịch
UBND huyện Bình Sơn chỉ đạo, tổ chức phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 944 của
Tỉnh ủy để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động 03 hộ dân còn lại sớm bàn
giao mặt bằng cho Chủ đầu tư.
Chỉ đạo công tác bồi thường, giải
phóng mặt bằng liên quan đến dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn Sơn
Tịnh
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Sơn Tịnh tổ
chức làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm thực
hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại điểm 2 Công văn số 5823/UBND-CNXD ngày 26/9/2018 dẫn đến chậm
tiến độ bàn giao mặt bằng cho VEC tổ chức thi công tuyến đường dẫn lên cầu
FO14; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện chậm nhất ngày 15/6/2019.
Sở Tài chính khẩn trương xác định suất
đầu tư 03 lô đất bồi thường, tái định cư cho các hộ dân
bị ảnh hưởng bởi dự án Đường cao tốc Đà Nẵng
- Quảng Ngãi, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi theo đề nghị của UBND huyện Sơn Tịnh tại
Công văn số 980/UBND-KT ngày 21/5/2019; hoàn thành chậm nhất ngày 10/6/2019.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các
công trình giao thông tỉnh tham mưu UBND tỉnh kiến nghị VEC cân đối nguồn vốn để
thi công hoàn thành đường dẫn cầu vượt FO14 khi địa phương bàn giao mặt bằng.
Chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án
đường dây 500kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi và Dốc Sỏi – Pleiku 2
Chủ tịch UBND tỉnh yêu
cầu UBND các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ khẩn trương
triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số
91/TB-UBND ngày 08/5/2019; tích cực phối hợp với BQL dự án các công trình điện
miền Trung hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường,
GPMB dự án công trình đường dây 500kV từ Quảng Trạch – Dốc Sỏi và Dốc Sỏi –
Pleiku 2.
Đồng thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng xây nhà, công trình
trái phép tại các vị trí móng trụ điện và trong hành lang tuyến điện, tránh
tình trạng trục lợi, gây khó khăn trong công tác bồi thường và quản lý đất đai
tại địa phương. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo, đề
xuất UBND tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi,
hướng dẫn UBND các huyện trong quá trình triển khai thực hiện công tác bồi
thường, GPMB; kịp thời tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết nội dung
kiến nghị của UBND các huyện theo thẩm quyền; tạo điều kiện để Ban Quản lý dự
án các công trình điện miền Trung sớm triển khai thi công dự án.
Kiểm tra công tác đăng ký biện pháp
bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Chủ tịch UBND
tỉnh yêu
cầu Văn phòng UBND tỉnh, các Sở: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh
Quảng Ngãi và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra
trong quá trình tổ chức các hoạt động kiểm tra công
tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 1725/KH-BTP ngày 15/5/2019 của Bộ Tư pháp.
Sở Tư pháp chịu trách
nhiệm làm đầu mối, chủ trì thực hiện đầy đủ các nội dung tại điểm 4, mục
VIII Kế hoạch số 1725/KH-BTP ngày 15/5/2019, báo cáo
UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng
cao, khu dân cư nông thôn kiểu mẫu
Chỉ tịch UBND tỉnh chỉ đạo
các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai xây dựng xã nông
thôn mới nâng cao, khu dân cư nông thôn kiểu mẫu theo chỉ đạo của UBND
tỉnh tại Công văn số 2219/UBND-NNTN ngày
08/5/2019.
Đối với việc tham mưu UBND tỉnh xem xét,
ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, trên cơ sở điều kiện thực tế của
tỉnh, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương liên quan nghiên cứu quy định tại Quyết định số 691/QĐ-TTg
ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu
mẫu giai đoạn 2018 - 2020, tham mưu UBND tỉnh ban hành tiêu chí xã nông thôn
mới kiểu mẫu trong năm 2020 để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 -
2025.
Về thực hiện
Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, tại Công văn số 2219/UBND-NNTN ngày
08/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện:
Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và thành phố Quảng
Ngãi khẩn trương thống nhất địa bàn thực hiện Khu dân cư nông thôn kiểu
mẫu, xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo triển khai thực
hiện.
Có giải pháp
huy động các nguồn lực tại địa phương, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn do địa
phương quản lý để hỗ trợ đầu tư xây dựng các tiêu chí của Khu dân cư nông thôn
kiểu mẫu; Chỉ đạo UBND các xã thực hiện xây dựng Khu dân cư
nông thôn kiểu mẫu phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên theo dõi thực
hiện Bộ tiêu chí gắn với nhiệm vụ chuyên môn, tập trung chỉ đạo triển khai thực
hiện theo phương án được phê duyệt.
Sở Tài chính
chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh
phí sự nghiệp từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 để
hỗ trợ xây dựng Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu theo quy định.
Về thực hiện xã
nông thôn mới nâng cao, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì phối hợp với Sở Tài
chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu đề xuất UBND tỉnh cân đối nguồn lực từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ thêm cho các xã đăng ký xây dựng xã
đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020.
UBND các huyện,
thành phố chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới rà soát, đánh giá thực
trạng các tiêu chí theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn
2016-2020, đăng ký xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xây dựng kế hoạch, thời
gian lộ trình thực hiện. Ưu tiên chọn xây dựng
Khu dân cư nông thôn kiểu mẫu giai đoạn 2019 - 2020 tại các thôn thuộc các xã
đã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020.
T.H (tổng hợp)